Bỏ qua nội dung

Tiến sĩ (tây tây và ta tây)

Tháng Mười 26, 2017

Đây là bài tiếp theo bài Tiến sĩ (ta ta) pót mấy hôm trước. Hôm nay ta nghiên cứu hai tập hợp tiếp theo, là tiến sĩ tây tây và tiến sĩ ta tây.

Tiến sĩ tây tây định nghĩa rất dễ. Họ là tiến sĩ tây đào tạo ở tây.

Vậy tiến sĩ tây tây giống và khác tiến sĩ ta ta thế nào ?

Điểm giống duy nhất có lẽ là cả hai bằng cấp (nếu thực chất) đều khó đạt được. Các cụ đỗ tiến sĩ ngày xưa, thường là công lao học hành (dùi mài kinh sử) từ lúc để chỏm, cũng phải vài chục năm. Người tốt nghiệp PhD ngày nay, độ tuổi trung bình cũng gần 30, tức là học hành liên tục cũng hơn 20 năm rồi.

Còn lại có lẽ chỉ do sự trùng hợp trong cách dùng từ mà thôi. Cả cách học và công việc của hai loại tiến sĩ này khác nhau.

Tiến sĩ tây, như ta đã biết, gọi chung là Ph.D (Doctor of Phylosophy). Phylosophy là Triết học. Môn này hiện nay rất ít người học, nhưng ngày xưa bên Tây thì tất cả các ngành khoa học cho hết vào đấy, nên gọi thế thành quen. Doctor là học vị hàn lâm cao nhất. (Các nước Âu Mỹ, mỗi nước lại có một hệ thống riêng, nhưng những nét chung tương đối giống nhau.)

Học Ph.D là học chuyên ngành. Ngừoi làm bằng Ph.D, trước hết phải học tốt các kiến thức cơ bản trong chuyên ngành của họ, làm quen với việc nghiên cứu, đọc hiểu được các kết quả và phương pháp mới. Cuối cùng, để tốt nghiệp, phải có được một công trình mang lại một cái gì mới (dù nhỏ) trong lĩnh vực của họ.

Người Tây rất tỷ mỷ, phương pháp làm việc khoa học, ghi chép kỹ càng (chẳng hạn nhiều chi tiết thú vị trong lịch sử Viêt Nam được tìm thấy trong các ghi chép của các giáo sĩ phương Tây qua truyền đạo, và mới mẻ với chính người VIệt chúng ta). Bởi vậy, làm được cái gì mới, dù nhỏ, cũng không dễ, vì trước hết phải học hết những cái đã có đã. Bằng Ph.D thường làm mất 5-8 năm, tuỳ theo ngành (tính cả thời gian làm thạc sĩ mà một số nơi yêu cầu). Tất nhiên cũng có những người xuất sắc có sẵn công trình từ khi học đại học, làm Ph. D chỉ 1, 2 năm là xong, nhưng những trường hợp này rât ít. Hiện nay, khi đã làm Ph.D, các chuyên ngành ngày càng hẹp. Ngừoi ngành nọ nói chuyện với người ngành kia không hiểu nhau là chuyện rất bình thường.

Ở xu hướng ngược lại, học tiến sĩ (ta ta) ngày xưa tất cả mọi người đều học từ những sách giống nhau, ta gọi chung là sách thánh hiền, do các cụ thánh hiền đã chết từ rất lâu để lại. Đã là sách thánh, thì đừng có mong thay đổi gì mất công. Người thông minh phá cách lắm chỉ thêm thắt được những cách giải nghĩa khác nhau cho một vài đoạn thôi. Còn thì đa số là học thuộc sách và lời giảng của thầy. Không có nghĩa là những lời đó không hay hay không sâu sắc, nhưng đời sau không thêm thắt vào được mấy. Kiến thức bởi vậy tăng trưởng rất chậm theo thời gian.

Bằng tiến sĩ ta ta khó hơn, số người được rất ít. Các cụ tiến sĩ xưa làm ngay quan to, lại danh tiếng, nên việc đỗ tiến sĩ được coi là tột đỉnh của vinh quang, cả tổng cả huyện đi đón các ông tân khoa. Các tiến sĩ sau đó trở thành các ông quan, bận việc nhà nước, có đọc sách thêm thời gian cũng rất hạn hẹp.

Học vị Ph.D cũng dịch ra là tiến sĩ. Nghe oai, nhưng thật ra nó chỉ là chứng chỉ cho một người bắt đầu bước chân vào con đường khoa học chuyên nghiệp mà thôi. Chẳng tổng huyện nào ra ra đón, phần lớn các anh Ph. D còn ế vợ, nuôi chó nuôi mèo, con nào cũng gầy nhom vì chủ chưa có việc. Bằng Ph.D chỉ là một xác nhận là anh có khả năng làm nghiên cứu. Còn có đi được tiếp không, là một câu hỏi lớn. Chỉ 1/10 số Ph.D về toán tốt nghiêp hàng năm ở Mỹ về sau trở thành các nhà nghiên cúu thực thụ, tức có chỗ đứng trong các viện đại học hay viện nghiên cứu lớn. Phần còn lại đi dạy học ở các trường nhỏ hơn, hay làm trong ngành công nghiêp hoặc kinh doanh. Họ vẫn dùng, và vẫn có thể, ở một chừng mực nào đó nghiên cứu, toán. Nhưng các kết quả nổi bật từ nhóm này là không nhiều.

Tiến sĩ ta tây là những người sinh ra và lớn lên ở quê ta, nhưng được tây đào tạo thành tiến sĩ ở tây theo lối tây. Mặc dầu vẫn thích nước mắm, kiến thức và quan niệm cùng chuẩn mực về nghiên cứu khoa học của phần đông những người trong nhóm này hoàn toàn tương đồng với các đồng nghiệp tây phương của họ. Hơn nữa, theo thống kê cá nhân, tiến sĩ ta tây có tỷ lệ lấy được vợ hơn hẳn các đồng nghiệp mũi lõ. Điều này hoàn toàn không chứng minh là mũi tẹt đẹp hơn mũi lõ, có lẽ nó chỉ ra rằng vẫn có một sự lầm lẫn rất đáng yêu về khái niệm tiến sĩ trong chị em phụ nữ quê ta.

** Người viết hoàn toàn không chịu trách nhiệm về vấn dề hôn nhân của các tiến sĩ tương lai.

From → Chưa phân loại

3 bình luận
  1. thilan permalink

    Ôi đọc bài của anh, em có đang sưng sỉa như một cái phèng phèng cũng trở nên dzui dzẻ hết mấy ngày liền ! 😀 Nhưng mà anh nói thế nào ấy chứ, em thấy các anh tiến sĩ toán ta tây đều mũi cao mày kiếm trông rất là anh tuấn, còn tiến sĩ toán của Tây thứ thiệt thì trông họ kỳ lắm, giống như ông Perelmann hay là ông Grothendieck ấy !!

  2. Hoàng Mạnh Hà permalink

    Liệu có tồn tại TS tây ta không ạ

  3. Bao Tuyen permalink

    Câu cuối của GS “hay” quá! Thế nên chắc nhiều anh phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định đi làm PhD. Kẻo về nước nhiều khi lại thấy “người yêu cũ” bồng bế tới mấy đứa con ấy chứ!

Bình luận về bài viết này