Bỏ qua nội dung

World Cup 2022

Tháng Mười Một 13, 2022

Còn 10 ngày nữa là bóng lăn, mà tình hình vẫn có vẻ lắng.

Hồi ngày xưa, vào giờ này, đã sôi lắm. Thể thao văn hoá, hay bản tin bóng đá (tiền thân của nó) ra hàng ngày, ra số nào hết số đấy từ sáng sớm. Ảnh thì mờ mịt vì được in trên loaj giấy rẻ nhất, nhưng chị em cũng cố căng mắt để xem thủ môn Daxaép đẹp giai. Thật ra thì với chất lượng giấy đó, in ảnh Breznhev vào cũng đẹp chả kém. Tức là nó rất bình đẳng về mặt nhan sắc.

Nói ngày xưa, là tự tố giác mình là già. Nhưng biết làm sao được, chuyện đang nói ở đây, là World Cup 1982, của 40 năm trước. 40 năm nghe thật kinh hoàng. Đó là khoảng thời gian dài bằng từ cách mạng tháng 8 (1945) cho tới thời kỳ đổi mới (1986). Dĩ nhiên, nếu bạn là đầu 8 đuôi to to, thì 45 hay 82 đều là ngày xưa, thuộc về các cụ khốt. Đó là trong trường hợp nếu bạn biết cụ khốt là ai.

Tại sao lại là 1982 mà không phải một năm nào khác? Lý do duy nhât ở đây, đó là World Cup đầu tiên mà trẻ con HN được xem một cách rộng rãi. TV vẫn là mặt hàng xa xỉ, nhưng lác đác phố nào cũng có, vài nhà một cái. Điện thỉnh thoảng tuần cũng được vài đêm. Muốn xem đá bóng, phải đoán trước phố nào sẽ có địen tối hôm đó, sau đó đến nhà một người quen có TV, nằm phục sẵn từ chiều để được chỗ tốt. Đi thế nó mới sướng, chứ còn như giờ tiện tay bấm cái remote một cái, rất không có đẳng cấp của một fan nghiêm túc.

Còn bản thân chương trình truyên hình đá bóng, cái mà chúng ta phải mua bản quyền hiện nay, năm nào cũng ầm ĩ, thì đã có Liên xô lo.

Nếu bạn hỏi đội tuyển mà người Việt yêu mến nhất của Espana 82 là đội nào, câu trả lời sẽ là Liên xô. Liên xô ở đây khác với nước Nga bây giờ rất xa. Đó là người bạn lớn (và duy nhất) của Việt nam khi đó. Bóng đá quôc tế ở VN, nếu được xem, là qua các chương trình TV của Liên xô. Giải bóng đá xô viết là giải quốc tế duy nhất mà người Việt có thể theo dõi, với El Classico là Dinamo Kiev đấu với Spartark Moskow. Đơn giản là chả có tiền để mua các chương trình khác; vả lại đang cấm vận, có mua chưa chắc đã có ai bán. Còn nếu bạn muốn hỏi cấm vận là gì, và cảm giác nó như thế nào, thì đó là cả một câu chuyện khác rất dài.

Xem mãi thì nó phải hay. Cũng như nếu cả lớp chỉ có một cô gái, thì, không nghi ngời gì, sớm muộn bạn sẽ phải thấy nàng là người xinh nhất. Công bằng mà nói, ở giai đoạn đó Liên xô đá cũng không dở. Các câu lạc bộ hàng đầu của họ như Dinamo Kiev, Dinamo Tbilitsi hay Spartark đều có bản sắc riêng, ra ngoài các câu lạc bộ phương Tây cũng phải nể mặt. (Kiev về sau có thời đá như lên đồng, nhưng đó là chuyện của vài năm nữa.)

Đội tuyển đúng bản sắc của Liên bang xô viết, có cầu thủ từ khá nhiều nước công hoà khác nhau, người Nga chắc chiếm chỉ độ nửa. Nổi nhất với chị em có lẽ là chàng Dasaev đẹp giai nói trên, là thủ môn của Spartark. Còn các cầu thủ khác cũng đá rât hay, mọi nhẽ. Oleg Blokhin, người Ukraina, là tiền đạo mũi nhọn, đã từng được quả bóng vàng. Đội trưởng Chivadze lại là người Gruzia. Nói chung là trong con mắt của bọn nhóc Hanội khi đó, thì Liên xô của chúng ta không thể thua được.

Mà có vẻ như thế thật. Trận đầu Liên xô đá với Brazil. Về sau đọc thì mới biết đội Brazil lúc đó được đánh giá là ứng viên số 1, và là một trong những đội Brazil mạnh nhất trong lịch sử (Socrates, Zico, Falcao). Nhưng lúc đó chả biêt các ông này mấy, Blokhin mới là nhất. Hiệp 1 Liên xô dẫn luôn 1-0. Cả nước, ít nhất là những chỗ có điện, sướng như điên. Phút 75 Brazil gỡ được một quả. Các cụ già, lập trường chính trị rât vững chắc, lẩm bẩm chắc là anh cả thả cho thế giới thứ 3 một quả. Thê quái nào còn vài phút nữa hết giờ thế giới thứ 3 lại làm thêm quả nữa, các cụ ngồi thừ hết cả ra.

Trận hai gặp đội lót đường New Zealand, đàn anh của chúng ta giã luôn 3 trái. Trận này không truyền, hoặc là mất điện không được xem. Hoặc có khi Liên xô cũng chả mua bản quyền truyên hình.

Trận ba với Scotland mới thực sự găng, vì hai đội cùng được 2 điểm. Vả lại, đấu với đội tư bản, nó sẽ khác. Scotland là đội mạnh hồi đó, khá nhiều sao như kiểu Archibal hay Strachan, chứ không chuối như bây giờ. Đã thế, họ lại còn dẫn trước. Các cụ bắt đầu lo, thành trì có vẻ mong manh quá, biết đâu. May thay hiệp hai thành trì làm luôn hai quả. Rồi đến cuối giờ còn 2 phút Scotland lại gỡ hoà. Trẻ con ngây hết cả ra chưa hiểu thế nào, sau được các cụ giải thích là quân ta vẫn được đi tiếp vì hơn tỷ số bàn thắng bàn thua (Scotland thua đậm Brazil). Ơ mừng ơi là mừng.

Nếu nhớ lại các trận đấu này, thì Liên xô đá có đường nét riêng của họ, chứ không nhạt nhoà như đội Nga về sau. Các cầu thủ kỹ thuật và thê lực đều tốt, không thua kém gì các cầu thủ chuyên nghiệp củaa phương Tây. Duy có họ chơi hơi chân phương, ít tiểu xảo, và đến cuối trận hay mất tập trung (cả hai bàn của Brazil và Scotland đều ở cuối trận). Giá có cao thủ từ Ý sang mách bảo là 5 phút cuổi, nếu tỷ số đang thuận lợi, thì đá ít thôi, nên nằm sân là chính, thì thành tích đã khá hơn rất nhiều. Tất nhiên nói thì dễ, chứ không phải đội nào cũng nằm sân một cách tự nhiên và chuyên nghiêp như người Ý.

Giải 82 có thể thức thi đấu oái oăm, là sau vòng bảng lại là một vòng bảng khác. Mỗi bảng không phải bốn đội mà là ba. Lý do là giải có 24 đội, và chưa có sáng kiến là lấy thêm mấy đội thứ 3 có kết quả tốt. Liên xô của chúng ta ở cùng bảng Bỉ và Balan. Bỉ lúc đó là á quân châu Âu (thành tích cao nhất của đội này từ trước đến nay), và thắng đương kim vô đich Argentina của Maradona ở vòng bảng.

Phần 2

….đi xe Honda, sang Tây ban nha, để xem bóng đá…

là lời bài hát chế giai đoạn đó. Để thấy không khí hoành tráng thế nào. Bài này từ khoá không phải Tây Ban nha, cũng không phải xem bóng đá, mà là “xe Honda”.

Honda là xe máy. Nếu bây giờ, bạn sẽ tưởng tương đó là một phươt thủ oai phong, cưỡi quả xe phân khối lớn đi qua muôn trùng rừng núi, để đến nước Tayban nha xa xôi. Hình tuơng này rất chi lãng mạng, nhưng mình ngờ rằng lời hát chủ tâm đơn giản hơn thế nhiều. Bời thời gian đó, phương tiện giao thông cá nhân không có gì hơn xe Honda (Cub) cả. Khái niệm ai đó có một chiếc ô tô, là không tồn tại. Trong tâm trí chúng tôi, chỉ có các nguyên thủ, hay thấp hơn một chút là đi ô tô thôi, và đó phải là ô tô công. Bởi vậy, người bình thường, nếu có phải tự đi đâu, thì oai nhất là Honda rồi.

Chuyện đá bóng giờ kể tiếp. Liên xô của chúng ta vào vòng bảng hai với Balan và Bỉ. Đội Bỉ lúc đó cũng oai, chả kém gì Bỉ hiện tại. Họ là á quân châu âu năm 1980, và các câu lạc bộ Bỉ như Anderletch hay Standard Liege cũng là hạng có sừng có mỏ, không kém cạnh gì Man City hay Tottenham hiện nay. Nhưng trận đầu thua ngay Balan 3-0, Boniek ghi cả 3 bàn. Trận sau với Liên xô, thua tiếp 1-0 nữa, cho thấy sự kém cỏi của chủ nghĩa tư bản.

Trận đấu cuối cùng của bảng đó, như vậy là giữa anh cả Liên xô và em út Balan. “Trong phe mình cả”, các cụ bình luận. Mà em phải nhường anh là chuyện dĩ nhiên, trong nhà mình với nhau. Các cụ cứ yên trí vậy, và ghi sẵn vào lịch đợi xem Liên xô đá bán kết.

Nhưng sự việc trên sân nó lại khác. Chả hiểu kiểu gì, ông em lại chẳng nể gì ông anh. Chảng những thế, đây là một trong những trận căng thẳng và nhiều thẻ vàng nhất World Cup (5 thẻ). Tỷ số thẻ là Liên xô dẫn 3-2, còn tỷ sổ thật là 0 đều. Liên xô về nước với số điểm cao nhất trong những đội không lọt vào bán kết, thành tích khá nhất của họ cho đến tận bây giờ tại các World Cup (tính cả Nga và Ucraina). Balan đi tiếp nhưng đáng tiếc Boniek cũng xơi một thẻ vàng không đươc đá bán kết. Đó cũng là lần cuối cùng Balan vào bán kết một giải lớn cho đến nay.

Ở một bảng khác, đương kim vô địch Agentina thua cả hai trận, trước Brazil và Ý. Các trọng tài thời đó bắt rất lỏng, Mâradona bị các hậu vệ của Ý và Brazil, đặc biệt là Gentile của Ý, cho nằm sân liên tục. Nếu là bây giờ, thì Gentile chắc bị đuổi mỗi trận 2 lần. Nhưng năm 82, như một trò đùa, người bị đuổi lại là Maradona. Anh này bị chém nhiều quá, đội lại đang thua, điên lên đá một cầu thủ Brazil một phát, thế là xơi thẻ đỏ trực tiếp.

Trận cuối cùng giũa Brazil và Ý là trận đâu hay nhất của toàn giải. Trước đó, Brazil thắng Argentina đậm hơn, nên họ chỉ cần hoà là đi tiếp. Nhưng đội này có một điểm yếu, cũng như Barcelona thời hoàng kim đầu những năm 2010, là không biết đá hoà như thế nào. Có bóng là cả đôi ton ton chạy lên rê với sút. Nhưng xui cho họ, đó là một ngày rất đặc biệt của người Ý, vì Rossi cứ chạm chân vào bóng là ghi bàn. Cả 4 trận trước của Ý, anh chả ghi bàn nào. Thế rồi anh ghi cả 3 bàn trong trận với Brazil. Cứ cò cưa một lúc, thỉnh thoảng Rossi ở đâu chui lên đá vào một quả, rồi người Brazil gỡ lại một quả, 1-0, 1-1, 2-1, 2-2. Nhưng đến lần thứ ba thì họ cũng oải, và thủ môn Dino Zoff của Ý cũng có pha cứu thua xuất thần. Các cầu thủ còn lại của Ý phối hợp cũng ăn ý, cho đối phương nằm sân hay tự nằm sân đều đúng lúc, nhịp nhàng. Tóm lại là Brazil về nước mà cho đến nay vẫn chưa hiểu là tại sao.

Các trận sau của Ý suôn sẻ hơn rất nhiều. Balan thiếu Boniek, bị thua 2-0. Rossi lại tiếp tục ghi bàn thay cho toàn đội. Trận chung kết, anh lại ghi bàn đầu tiên mở màn, tức là trong hơn 2 trận đấu rưỡi (với Brazil, Balan, Đức), anh là người duy nhất ghi bàn cho tuyển Ý; 6 bàn trong 6 hiệp. Người Đúc thua một quả, nhưng họ không phải Brazil, và chắc cũng oải vì trận bán kết, thua thêm 2 quả nữa trước khi gỡ được một bàn danh dự khi trận đấu đã hoàn toàn ngã ngũ.

Trận duy nhất gay cấn là trận bán kết giữa Đúc và Pháp. Nó được Planiti ghi nhớ như là trận đấu đẹp nhất đời cầu thủ của mình. Bây giờ ai cũng nghĩ đội Pháp lúc nào cũng mạnh, vì trong vòng 25 năm gần đây, họ thật sự là đội bóng thành tích tốt nhất thê giới, trong đội lúc nào cũng toàn siêu sao. Nhưng năm 1982 không vậy. Lúc đó Đức là vô địch châu Âu, và cũng cách đó không lâu, 1974, họ vô địch World Cup. Đức là cửa trên, Pháp là underdog, đã lâu lắm rồi không vào sâu ở các giải lớn. Trong bảng bốc thăm, thậm chí họ chỉ nằm ở Pot 3 (tức là gồm các đội hạt giống thứ 3, dưới đội đuoc seed và hạt giống thứ hai). Ở Pot 2 có năm nước Đông Âu (Liên xô, Hung, Balan, Tiêp, Nam Tư) và Áo.

Thế nhưng trong trận, Pháp là đội chơi hay và thoáng hơn. Át chủ bài của người Đức, Rummenigge, quả bóng vàng 81, chấn thương phải ngồi ngoài. Sau 90 phút đầu, hai đội hoà 1-1, với Pháp đá đập cột trong phút cuối. Nhưng sự kiện đang nhớ hơn là quả bay người của thủ môn Đức Shumaker vào Bastiston, với những động tác mà Lý Liên Kiệt, ngay cả trong thời phong độ nhất của mình, cũng phải ghen ty. Cú này gửi Bastiston từ vòng cấm địa vào thẳng nhà thương, gãy 3 xuóng sườn và 2 cái răng. So với nó, cú kung fu của De Jong với Alonso trong trận chung kết WC 2010 chi là một cú gãi của học sinh tập sự, và Lý Liên Kiệt chắc cũng đồng ý như vậy. Điều đáng nói ở đây, là sau đó Schumaker, đáng ra phải bị đuổi và cấm thi đấu chừng một năm, đến thẻ vàng cũng không bị.

Hiệp phụ Pháp vươn lên dẫn 2-1. Người Đức bí, phải gửi Rummenigge tập tễnh vào sân. Vào được vài phút, thì Giresse ghi bàn thứ 3 cho Pháp. Anh này cao có 1.63, tức là còn lùn hơn Quang Hải, và sau được lựa chọn là cầu thủ của nước Pháp mấy lần liền. Nên Quang Hải của chúng ta, ít nhẩt là về mặt chiều cao mà nói, vẫn còn nhiều hy vọng.

Người Đức không bao giờ bỏ cuộc, và Pháp thì cũng chưa phải là Ý, không biết đá thế nào cho hết giờ. Trong 10 phút sau đó, Rummenigge và Foster gỡ lại 2 bàn, làm một cuộc ngược giòng gây cấn và khó tin. Công bằng mà nói cả 2 bàn này đều rất đẳng cấp chứ không ăn may tý nào. Hai đội lần đầu tiên thực hiện tiết mục penalty shoot-out tại một giải đấu lớn, và như ta biết, cứ chơi trò này thì các anh Dức mười lần thắng 9, nên kêt quả cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Dù thua, giải này kết thúc có hậu cho người Pháp, mở đầu một chu kỳ thăng hoa kéo dài cho đến nay. Đội tuyển 82 của họ là nòng cốt của đội hai năm sau đó sẽ vô địch châu Âu, vói Platini ghi 9 bàn thắng chỉ trong 5 trận, và từ đó đến nay, thập kỷ nào họ cũng có một đội bóng lớn vô địch hoặc Ẻuro, hoặc World Cup.

From → Chưa phân loại

Gửi bình luận

Bình luận về bài viết này