Bỏ qua nội dung

Tiến sỹ (tây ta)

Tháng Mười Một 19, 2017

Trong bài này, ta bàn tới thể loại tiến sĩ cuối cùng (tây ta ).

Từ hai bài trước, bạn có thể dễ dàng định nghĩa tiến sĩ tây ta là các tiến sĩ ta được đào tạo ở ta theo kiểu tây. Ngắn gọn là làm Ph.D tại Việt Nam. Về chuẩn đào tạo Ph. D, bạn có thể đọc ở bài trước.

Điều kiện nghiên cứu ở Viêt Nam hiển nhiên chưa bằng ở các nước tiên tiến. Nhưng trong các tiến sĩ đào tạo ở Viet Nam, có những người học vấn uyên bác và tác phong làm việc rất nghiêm túc. Họ đang là trụ cột ở nhiều trường đại học và trung tâm nghiên cứu trong nước.

Đáng tiếc, lực lượng này như đang hao hụt dần. Chuẩn mực đào tạo tiến sĩ gần đây, theo như báo chỉ phản ánh, dường như cũng không theo chuẩn tây nữa.

— Vậy thì đây là tiến sĩ kiểu gì ?

Câu hỏi khó này, xin nhường câu trả lời cho một nhân vật nổi tiếng, ấy là anh Shrek (nhân vật chính của bộ phim Mỹ cùng tên). Shrek, như ta đã biết, là một thanh niên khoẻ mạnh nhưng hay nhăn nhó, sống ở đầm lầy. Một ngày đẹp trời, anh lên đường cứu công chúa xinh đẹp đang bị giam trong một toà tháp do một con rồng hung dữ canh giữ. Anh nhận nhiệm vụ này, chả phải vì đọc nhiều chuyện kiếm hiệp mà rách việc sinh ra lãng mạng, mà chẳng qua vì một tranh chấp bất động sản, bởi khu đầm lầy của anh đang bị qui hoạch làm chung cư.

Shrek mò đến toà tháp, làm thế nào né được con rồng, lẻn vào phòng công chúa. Công chúa, theo đúng kịch bản, nghĩ là hiệp sĩ cưỡi ngựa trắng của mình đã đến giết quái vật, lên giường nằm chờ sẵn để đợi nụ hôn nồng thắm của chàng đánh thức mình dậy. Nụ hôn đã không đến, vì Shrek đang lo bị con rồng phát hiện, kéo tuột công chúa chạy bán sống bán chết. Quả nhiên rồng ta thức giấc, thổi ra lửa đuổi theo công chúa và chàng hiệp sĩ bất đắc dĩ. Công chúa chẳng những chả được hôn, ngựa trắng nào có thấy, mà rồng vẫn sống nhăn thổi lứa sém cả mông, điên tiết hỏi

— Này vậy anh là hiệp sĩ kiểu gì ? (what kind of knights are you ? )

Shrek nhún vai,

—Đố biết kiểu gì !! (one of a kind !!)

Một khi đã chạm tới một nhân vật tầm cỡ như Shrek, ta cần đi tới tận cùng của vấn đề. Sự thật, sinh viên khi bắt đầu làm Ph.D, dù ở Viêt Nam hay Mỹ, có rất ít khái niệm về chuẩn mực của bằng tiến sĩ nói riêng, và khái niệm về nghiên cứu cao cấp nói chung. Đó là chưa nói tới sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm tiến sĩ ta ta và tây tây mà ở Việt Nam thường thấy. Tức là làm tiến sĩ cho nó sang (!?)

Người chịu trách nhiệm dẫn dắt cho sinh viên vào con đường nghiên cứu, và chịu trách nhiệm về chất lượng của luận án tiến sĩ của họ, không phải ai khác, là giáo sư hướng dẫn.

Giáo sư giỏi có thể hướng dẫn cùng một lúc nhiều nghiên cứu sinh, mà tất cả đều có thể đạt được chuẩn quốc tế, vì họ biết và theo sát những vấn đề và phương pháp mới trên thế giới, thấy được sự liên hệ giữa các lĩnh vực khác nhau. Nhưng hiện nay, học vị giáo sư dường như chỉ là tấm bằng khen. Các thống kê nhiều lần đăng trên các báo cho thấy rất rõ có rất nhiều giáo sư không nghiên cứu mà cũng chả giảng dậy.

Và câu hỏi của bạn, môt lần nữa, đã được Shrek trả lời.

From → Chưa phân loại

One Comment
  1. thilan permalink

    Sao dạo này em đọc bài của các giáo sư em chả hiểu gì nữa hết trơn ! Em tưởng “tiến sĩ ta tây” là tiến sĩ người Việt Nam ta được đào tạo ở Tây ấy chứ ? Giống như là anh với GS NBC ấy chứ ?
    (Chứ bộ anh tưởng anh là Tây luôn rồi à ?)

    Chỉ thấy hơi khoái chí khi tưởng tượng ra hoàng tử tới cứu mình là một anh xấu ỉn, ngạc nhiên chưa ! 😀 Chuyện này hơi hơi giống chuyện Trương Chi nhà mình chắc !

Bình luận về bài viết này