Bỏ qua nội dung

Budapest, 30 năm

 

Nếu ai đó hỏi tôi, sau 30 năm, bạn nhớ gì ở Budapest nhất. Xúp cá, quảng trường anh hùng, rượu vang Tokai, hay núi Tự do ? Câu trả lời sẽ là tàu điện.

Tất cả những ai đã bay từ Nội Bài sang Đông Âu tháng 8 của 30 năm trước, chắc phải quen với tàu điện Hà nội. Học sinh của Trưng Vương và Chu Văn An, trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước, quá nửa là những tay nhảy tàu chuyên nghiệp.

Chuyến bay năm 1987 đó, với gần hết chúng tôi, là chuyến bay đầu tiên ra nước ngoài, nếu không nói là chuyến bay đầu tiên trong đời. Budapest, cái gì cũng khác, cũng mới, từ đường phố, cửa hàng, thức ăn, cho đến phim ảnh và màu mắt của các cô gái.

Quê hương nhất, chính là anh tàu điện. Tàu điện ở Budapest cũng màu vàng, và cũng leng keng, y hệt như tàu điện bờ Hồ có điều là nó có cửa nghiêm chỉnh và phải mua vé. 30 năm trước dáng nó bè bè béo béo chứ không thanh thoát chân dài như bây giờ. Tàu quen thuộc nhất với sinh viên Việt nam phải là tàu số 4 và 6, vì hai tàu bắt đầu ở gần ký túc xá của Đại Học Bách Khoa, nơi quá nửa học sinh Việt Nam theo học. Tàu chạy dọc đại lô một thời mang của tên Lê Nin, mà tên người luôn xuất hiện một cách bất ngờ nhất trong các tạp chí sinh viên lưu hành trong các ký túc xá, cho đến quảng trường Maxcova. Quảng trường Maxcova nay vẫn là Maxcova, còn đại lộ Lênin, cũng không khác với số phận của thành phố cùng tên bên nước Nga, đã chuyển thành đường Tereza và Erzsebet, tên hai bà nữ hoàng của đế quốc Áo-Hung ngày trước.

Quảng trường Maxcova rộng, nhưng không đẹp. Từ đây có thể đi bộ vào thành Var. Thật ra tiếng Hung Var đã có nghĩa là thành, người Việt quen gọi tên kép là thành Var. Đây là địa điểm du lịch số một của Budapest, có nhà thờ của vua Matyas và thành của những người đánh cá (thât ra là chỗ thu thuế cá ngày xưa), hai điểm mà hầu như khách du lịch nào cũng ghé qua. Cái hay là ở trong thành không phải chỗ nào cũng làm du lịch cả, mà còn nhiều nhà dân sinh sống trong các dẫy phố nho nhỏ, có cột đèn bằng sắt xen lẫn cây cổ thụ, lòng đường lát đá đen, và dọc phố lác đác vài ngôi mộ chí.

Thành Var ở địa thế ở cao, có thể nhìn xuống toàn cảnh thành phố, sông Danúp xanh và những cây cầu tuyệt vời của nó. Cây cầu đẹp nhất có lẽ là Lanc Hid (Chain Bridge), một trong những cầu treo bằng sắt đầu tiên trên thế giới. Được làm từ giữa thế kỷ 19, Lanc Hid là môt thành tựu kỹ thuật đáng kể của thời đại đó. Ở đầu cầu, nhà kiến trúc tài ba đã cho đắp sừng sững một đôi sư tử nhe nanh, như có ý nhắc nhở rằng sợ vợ không chỉ là đặc tính của đàn ông châu Á. Dẫu vậy, người Hung thật xứng đáng là một dân tộc thông minh, cái gì cũng hơn người thường một chút, vì nếu nhìn gần, thì các bà sư tử này hình như không có lưỡi.
 
Budapest có những dãy phố cổ dọc theo bờ sông, phía Buda, tối mở cửa sổ có thể nhìn sang thành Var và nhà quốc hội bên kia sông rực ánh đèn. Các khu cổ này một nhà to có nhiều căn hộ, có lẽ là chỗ ở cho các thị dân giàu có ngày xưa, cửa sổ cao và thoáng, mỗi nhà có một cái cổng đá xây rất phong cách, nhô ra đường để khi trời mưa khách vãng lai có thể vào trú được. Chiếc cổng đã che bao thế hệ thanh niên đi ngang qua nó. Ngày hôm nay là những cô cậu sinh viên của thế hệ Ipad, 30 năm trước là thế hệ của tôi và bạn, 30 năm trước nữa là những sinh viên của năm 1956 đầy biến động, mà trong lòng họ không biết đất nước và bản thân sẽ đi về đâu…

Bên ngoài cửa sổ phòng làm việc trời tối dần. Các cao ốc bắt đầu thắp sáng, thành phố rực ánh đèn. Đèn của Hànội, của Budapest, Gent, hay của New York, Los Angeles, Singapore ? 30 năm, là một nửa đời người. 30 năm qua, tôi đã đi rất nhiều nơi trên quả đất này, và các bạn cũng vậy. Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, có lẽ bạn vẫn muốn về qua nơi ấy, nơi của những tháng ngày sôi nổi, của tuổi trẻ và ước mơ, với hơi ấm của bàn tay và nhịp đâp dồn dập trong lồng ngực.

Nơi bạn đã tìm ra con đường của riêng mình.

Tin thể thao

Mấy hôm nay không đọc báo (của ta), chiều ngồi đọc tin thể thao có nhiều cái hay.

Cờ vua có môt tin vui và một tin buồn. Tin vui là Lê quang Liêm đứng thứ nhì giải TQ mở rộng. Điểm Elo của Liêm chỉ đứng thư 5 trong các người thi đấu. Tính thêm tinh thần đoàn kết của 5 kỳ thủ Trung quốc chủ nhà, thì như thế cũng là giỏi lắm rồi. Sau giải đấu anh đã vào top 30 quốc tế.

Tin buồn, báo Thanh niên đăng, là có vẻ Liêm muốn chuyển sang thi đấu cho tuyển Mỹ. Lý do tài chính. Một số cuộc đấu liên đoàn cờ VN không trả vé máy bay cho tuyển thủ. Khoản tiền 150 nghìn ÚSD liên đoàn công bố tài trơ cho Liêm trong 4 năm bắt đầu từ 2012 đến nay chưa nhận được đồng nào.

Viêc này nằm trong phạm trù vấn đề tránh đổ máu chất xám, mà bản thân tôi, và rất nhiều người đang đọc bài này, đã được phỏng vấn. Vô số ý kiến, mà về cơ bản tương đối giống nhau, đã được đăng tải trên các báo và phát trên TV. Chả nên nhắc lại làm gì.

Mỹ là quốc gia cực kỳ thành công trong việc hút tài năng trên thế giới, bất kể trong khoa học, thể thao, hay điện ảnh. Nói ví dụ, trong bất kỳ khoa toán nào ở top 15, chắc ít nhất một nửa giáo sư là người nước ngoài (tỷ lệ ở Yale là 2/3). Đa số các trường hợp, phương pháp chiêu mộ thật đơn giản. Tìm trên toàn thế giới những nhà toán học giỏi nhất trong ngành đang cần, hỏi xem họ có quan tâm, và trong trường hợp câu trả lời là có, đề nghị một mức lương gấp từ 2 đến 3 lần mức lương hiện tại và tiện tay trả luôn một phần tiền mua nhà. (Phần lớn các trường hợp này là từ châu Âu, như Anh, Đức, Pháp, Ý vv; từ các nước khác thì hệ số 2,3 có thể thay đổi, nhưng đại ý là như vậy.) Chiêu thức chỉ có vậy, mà các trường nước ngoài khó có cách nào đỡ được.

Bạn sẽ bảo, trường Mỹ giàu thế, đem tiền ra đè, ai cự được ? Điều này theo nghĩa cá nhân thì đúng. Đối với người được mời, nói “không” là một thử thách rất lớn. Nhưng nghĩ cho kỹ, người Mỹ đầu tư cực tài. Ví dụ giáo sư A đang lĩnh một khoản lương x tại nước B, sang Mỹ sẽ lĩnh 2x, tức là người Mỹ phải bỏ thêm x USD một năm. Nhưng khoản tiền và công sức mà nước B (đóng góp cả từ gia đình và xã hội) đầu tư mấy chục năm để ông A trở thành một “sao sáng” đã lớn hơn x rất rất nhiều lần. Bạn có thể đo được sự khó nhọc của phụ huynh để kèm một đứa trẻ thành tài ? Nước Mỹ lãi cực lớn. Họ sẽ hưởng những thành tựu xuất sắc nhất của những nhà khoa học mà họ không tốn một xu hay một giờ để đào tạo. Ngay cả trường đại học trả lương cho ông A cũng không lỗ, theo mọi nghĩa. Chẳng những ranking của họ sẽ cao hơn nhờ những người như ông A, mà ngay cả bản thân khoản tiền nghiên cứu mà ông A xin về cho trường hàng năm thường cũng đã nhiều hơn x vài lần.

Quay lại Lê Quang Liêm, những chi phí nêu trên, kể cả khoản tiền 150 nghìn, là quá nhỏ để vì thế mất đi vận động viên có thể nói xuất sắc nhất Viet Nam hiện nay. (Số người Viêt lọt vào top 30 thể giới, trông bất kỳ lĩnh vực gì, chắc không nhiều.) Mà chắc chắn nó nhỏ hơn nhiều những gì Liêm đã được đầu tư, và để tiện so sánh, chắc chỉ bằng một phần tiền thường cho đội tuyển bóng đá thân yêu của chúng ta khi đại thắng Lào.

————————-

Một tin vắn đáng chú ý khác, tiện tay ghi cho khỏi quên:

-Trận so tài giữa Vĩnh Xuân tuý quyền và Tesla thần chưởng, sau nhiều xôn xao, sẽ không diễn ra.

http://thethao.thanhnien.vn/toan-canh-the-thao/co-vua-viet-nam-truoc-nguy-co-mat-le-quang-liem-54045.html

Giáo sư phiêu lưu ký: Jerusalem

Tôi đến Jerusalem lần đầu tiên mười năm trước. Thời gian mười năm, với thành phố vĩnh cửu này, chỉ như một chớp mắt, còn với một người, đã biết bao thăng trầm thay đổi.

Cái Jerusalem tôi muốn viết đến ở đây, là khu thành cổ trong thành phố (Old City). Jerusalem của vua David và Solomon, của chúa Jesu, của Saladin và các hiệp sĩ thánh chiến.

Khu thành cổ rất nhỏ, diện tích chưa đầy một cây số vuông. Đường phố bé xíu, người đi bộ phải tránh nhau, lát đá lồi lõm, đầy cửa hàng cửa hiệu bán lẻ. Nói đến một thành phố, người ta hay nhắc đến bề dầy lịch sử, văn hoá. Cái bề dầy đó, ở đây hùng vĩ cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Jerusalem là thánh địa của ba tôn giáo lớn: Do thái giáo, đạo thiên chúa, và đạo Hồi. Các nhà thờ xây chồng lên nhau. Mỗi viên đá, đều tưởng như gắn liền với lịch sử thế giới.

Ngôi nhà thờ nổi tiếng nhất, nay không còn nữa. Nhưng chắc chắn bạn đã nghe về nó. Nhà thờ của vua Salomon, con trai của David.

Con tằm nó nhả ra tơ; ta sẽ bắt đầu từ David. Ông không phải vua đầu tiên của người Do thái. Trong thời ông, người Do thái chiến đấu liên tục với các bộ tộc khác để lập quốc. Một vài cuộc chiến được định đoạt theo kiểu kiếm hiệp, mỗi bên cử một người ra giao chiến với một người bên kia. Xuất thân chỉ là một chiến sĩ thường, David lập thành tích xuất sắc đo ván nhà vô địch của đối phương, tên là Goliath. Goliath là một anh chàng to khoẻ tầm cỡ Quan Công, sử cây đại đao nặng vài chục cân, nhưng không có ngựa nên đành chạy bộ. Lịch sử lề phải ghi là David xung phong giao chiến với đối phương, còn bên lề trái thì bảo nghe khi đại đội trưởng hỏi ai xung phong đánh nhau với Goliath, hàng quân của người Do thái tự động bước lùi một bước. Anh David đang mải nghĩ toán hoặc làm thơ, không bước kịp, thành ra tự dưng đứng đầu. Kiểu gì thì kiểu, cuộc đấu đã diễn ra, và nó kết thúc nhanh hơn là Quan Công chém Nhan Lương, bởi lẽ David đơn giản là dùng súng cao su bắn một viên đá vào đầu đối thủ. Anh này trước khi kịp mở mồm khiếu nại “fair play”, thì đã lăn quay không thể cấp cứu được.

David được bầu làm thủ lĩnh, về sau trở thành một ông vua xuất sắc của người Do thái. Nhưng con ông, vua Solomon, mới được coi là vị vua vĩ đại. Nhà thờ ông dựng lên được coi là lộng lẫy nhất trong lịch sử của dân tộc này. Sự giàu có của nó được loan truyền đến các hiệp sĩ thánh chiến tận mấy nghìn năm sau, mà trong số họ không ít người đã đến Jerusalem để tìm kho báu hơn là bảo vệ thánh địa. Các hiệp sĩ nhà thờ (Knight Templar), nhân vật chính trong the DaVinci Code của tác giả ăn khách nhất thế kỷ Dan Brown, lấy tên hiệu của họ từ nhà thờ Solomon, chứ không phải từ các nhà thờ của đạo thiên chúa. Biểu tượng của các kỵ sĩ nhà thờ là hai chiến sĩ cưỡi chung một con ngựa, thể hiện sự nghèo khó khổ hạnh, được lấy làm chuẩn mực cho lối sống của họ. Hai trăm năm sau ngày thành lập, tổ chức Knight Templar bị vua Pháp Phillip đệ tứ xoá sổ trong một vụ án đẫm máu, vì quyền lực và của cải của họ làm nhà vua và cả châu Âu run sợ. (Một số sử gia cho rằng bản thân nhà vua nợ Knight Templar một khoản tiền rất lớn, nên phải tìm cách để xù.) Thứ sáu ngày 13, theo quan niệm phương Tây, bị coi là một ngày đen tối, chính là ngày Phillip đệ tứ ra lệnh bắt đồng loạt hàng nghìn nhân vật của Knight Templar, rất nhiều người sau đó bị tra tấn và thiêu sống.

Ngôi nhà thờ, hay nói đúng hơn, ngôi đền của Solomon còn quan trọng vì một lý do khác. Nó được dựng lên ở một vị trí không thể đất vàng hơn, theo nghĩa đúng nhất của từ này.

Lich sử loài người, theo Kinh thánh, là bắt đầu từ ông Adam. Trước ông, đúng như bạn đã đoán, không có người, nên ông không có cả mẹ lẫn bố. Trong một ngày rảnh rỗi, Chúa Trời, ảnh hưởng bởi nghe quá nhiều nhạc Trịnh, đã nặn ra Adam từ cát bụi. Cát bụi ở đây, chính là lấy ở núi Zion, đúng ở chỗ mà sau đó Solomon đã cho xây dựng đền thờ. Sau này, zionist là tên gọi những người theo chủ nghĩa thân Do thái.

Người đàn bà đầu tiên, cô Eva, lại được tạo ra từ xương sườn của Adam. Tại sao lại là xương sườn, và quan trọng hơn, tại sao xương sườn lại có thể nói thật nhiều và thật dai, thì là bí mật lớn nhất của vũ trụ, mà cả những nhà khoa học lỗi lạc người Do thái như Einstein cũng chưa giải thích được.

Người Do thái rất muốn dựng lại ngôi đền trứ danh của dân tộc mình. Nhưng mặc dầu nước Israel đã hình thành 60 năm nay, họ vẫn chưa làm được. Lý do là trên khoảng đất cũ của đền Solomon, đã mọc lên một nhà thờ khác, không kém phần long trọng: the Dome of the Rock. Rock là tảng đá. Tảng đá này lý lich cũng vô cùng hoành tráng, mà để giải thích ta cần đến với một tôn giáo khác, đạo Hồi.

Đạo Hồi xuất hiện muộn hơn phần lớn các tôn giáo lớn khác. Nhà tiên tri của đạo Hồi, thánh Muhammad, là nhân vật của thế kỷ 6-7. Ông sinh ra ở Mecca, thành phố hiện nay thuộc lãnh thổ Ârap Xeut, và bắt đầu giảng đạo ở thành phố này. Thánh Muhammad có họ với vua Solomon ở trên, vì tất thảy đều là hậu duệ của một cụ oai nhất là cụ Abraham.

Ông Abraham được coi là người đầu tiên được Chúa Trời liên hệ trực tiếp. Những người trước đó, chung quanh ông, đều theo đa thần giáo, thờ tụng rất nhiều thánh mẫu khác nhau. Các hàng xóm này không thích ông Abraham và Chúa của ông, nên ông bỏ quê hương ra đi, cũng như vô số các hiền triết từ trước đến nay. Ông Abraham có một người con là ông Issac, ông này được coi là thuỷ tổ của người Do Thái về sau. Chuyện đến đây thì chưa có gì. Nhưng ông Abraham, cũng như rất nhiều hiền triết khác, ngoài vợ cả ra lại còn có vợ lẽ. Bà vợ lẽ này cũng sinh cho ông một người con trai, là ông Ismael. Vì ông Ismael đẻ trước ông Issac, tình cảm của bà vợ cả với bà vợ lẽ và con bà thế nào, không cần phải là nhà khoa học lỗi lạc ngừoi Do thái ta cũng có thể đoán biết được, nên mẹ con ông Ismael không ở lại Israel, mà lưu lạc đến một vùng đất xa lạ khác.

Ông Muhammad là con cháu của Ismael. Chúa Trời của ông cũng chính là Chúa Trời (duy nhất) của Do thái giáo và đạo thiên chúa. Và cũng giống trường hợp ông Abraham, các hàng xóm của ông Mohamed không yêu quí ông lắm, nên ông chuyển nhà đến một thành phố gần đó là Medina. Nhiều người ở Medina thích lý thuyết của ông, và chẳng bao lâu ông trở thành một lãnh đạo uy tín. Khác với các nhà hiền triết khác, ông Mohamed là một nhà quân sự giỏi, đã trực tiếp lãnh đạo quân đội hồi giáo quyết liệt chống lại nhũng kẻ thù của tôn giáo của ông. Khi lực lượng đủ lớn, ông quay lại Mecca với một đạo quân. Thành phố này nhanh chóng đầu hàng và chấp nhận tôn giáo của Mohamed. Phương hướng hành động này đã khiến đội quân của Islam và lãnh thổ của nó tăng lên với tốc độ chóng mặt.

Mecca và Medina được coi là thánh địa thứ nhất và thứ hai của đạo Hồi. Thánh địa thứ ba là Jerusalem, chính xác hơn là the Rock (tảng đá) trong thành này, nơi mà ông Muhammad, trong hồi ký của mình, kể lại rằng trong một lúc toạ thiền, ông đã bay lên thiên đường cùng thiên sư Gabriel để gặp chúa trời cùng các nhân vật vai vế khác như ông Moses, chúa Jesus. Đã có một thời gian, người hồi giáo, thay vì hướng về Mecca như hiện nay, đã hướng về Jerusalem để cầu nguyện.

Dome of Rock được xây dựng bởi người Hôi giáo tại địa điểm này. Nhà thờ được xây vào cuối thế kỷ 7, và dĩ nhiên đã được tu sửa thay đổi rất nhiều từ đó đến nay, lần lớn nhât là vào đầu thế kỷ 11 khi nó bị sập. Mặc dầu Jerusalem đã chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc chiến và đổi chủ hàng chục lần, nhà thờ không bị bất kỳ đôi quân nào phá huỷ mà chỉ bị chuyển đổi mục đích. Chiếc mái vòm vàng rực của nó đã mãi mãi trở thành biểu tượng của Jerusalem, và cao hơn nữa, biểu tượng về sức mạnh và tầm quan trọng của tôn giáo trong lịch sử loài người.

Nhật ký Yale: Một góc bình yên

Xuân về. Trời chả nóng chả lạnh, mưa lất phất ngoài phố. Các cành cây gầy guộc ủ ê cả mấy tháng lạnh giá bắt đầu nhú những chồi lá xanh xanh.  Các giáo sư áo bông lụ khụ ngồi trong phòng đọc sách hoặc chơi trò chơi điện tử suốt mùa đông như cũng nhú lên, chen nhau ra ngoài phố.

Yale có nhiều chỗ để lang thang.  Dọc trong thành phố,  các ngôi nhà của trường thường kiến trúc kiểu cổ, theo mẫu Cambride và Oxford.  Thư viện chính và nhà thể thao troong như hai tu viện lớn, cổng vòm bề thế.  Thế nhưng Art gallery của trường lại làm theo lối mới, tức là một toà nhà hình vuông, bề ngoài rất đơn giản. Nếu nhìn qua, có khi nghĩ nó được xây ở đất nước của Lênin trong những năm 70.  Được cái, khi bước vào trong thì không khí rất ấm cúng. Cầu thang cổ kính hình xoắn ốc với ô cửa sổ một bên, mặc váy dạ hội chụp ảnh là rất hợp.

Tầng một của gallery dành cho văn hoá cổ đại (Hy lap, La mã, Babylon vv).  Trong con mắt của một người không chuyên thì hiện vật trông giống tất cả những bảo tàng khác, quí ở chỗ nó cổ, còn thì bất kể tượng hay bát hay chum vò, cái nào cũng sứt mẻ lung tung, hiển nhiên đã được dùng qua rất nhiều cuộc hôn nhân. Thú vị nhất  có lẽ là một tấm bia nằm trên nền nhà, chỉ ra là vợ chồng cụ Trumbull đã được chôn ngay dưới chỗ này. Cụ (ông) là một hoạ sĩ rất quan trọng thời chiến tranh giành độc lâp của Mỹ. Lúc mất  chắc cụ cũng không nghĩ tới việc gallery ngày ngày sẽ có hàng trăm sinh viên trẻ đẹp đi lại tưng bừng. Chỉ có phụ nữ nhìn xa trông rộng, nên cụ bà cương quyết phải nằm cạnh cụ ông  cho nó lành.

Một căn phòng ở tầng một thường được sử dụng để triển lãm nhưng các phẩm mới, mang từ nơi khác đến. Cách đây chừng một năm, tác phẩm hot đó là bộ tranh “mười công thức đẹp nhất thế giới”.  Tác giả cặm cụi tham vấn một số nhà toán học cây đa cây đề, đặng nhờ họ viết ra mười công thức được coi là quan trọng nhất quả đất. Công thức sau đó được phóng to ra,  dấu tích phân bằng cỡ cái móc câu, chụp ảnh đen trắng rất nét treo lên  tường.  Tất cả khoa toán, dĩ nhiên, không ai đi xem. Khách thăm quan chính là học sinh tiểu học,  được cô giáo dẫn đi theo giờ ngoại khoá bắt buộc. Bọn nhóc con mắt chữ o mồm chữ a, vừa nghếch mắt lên xem móc câu vừa  ngoáy mũi một cách cẩu thả. Cứ nhìn dáng điệu  mà coi thì xem ra  sự quan tâm của chúng với toán học nói chung và cảm tưởng của cô giáo về các nhà toán học nói riêng không được mấy phần lãng mạn.

Tầng 3 dành cho các tác phẩm “hiện đại” (modern art).  Các tác phẩm này tại sao lại đẹp, thì thường tối đa  chỉ có tác giả giải thích được.  Nhưng đối với các giáo sư tha thẩn là cà ra đây, các trưng bày này có tác dụng không ngờ. Vốn là một khi bạn suy nghĩ một cái gì đó khá lâu và vẫn tắc tị chả có ý tưởng gì hay, thì một điều an ủi rất lớn là được nhận ra rằng có rất nhiều người còn trong tình trạng tệ hơn mình.

Có lẽ các tác phẩm thú vị nhất  nằm ở tầng hai, nơi trưng bày hội hoạ thế kỷ 17 tới 20.  Các căn phòng tranh đều nhỏ, tĩnh mịch một hai khách xem, không có cảm giác ngợp và ồn ào như các bảo tàng lớn.  Có ba tác phẩm tôi hay xem, nằm phía tay trái khi lên cầu thang.

Bức tranh đầu của Scheffer (một hoạ sĩ người Pháp trong thế kỷ 19, bản thân cũng đã từng là kỵ binh) vẽ cuộc rút lui thê thảm của đoàn quân Napoleon khỏi nước Nga.  Như tất cả các tổng chỉ huy thiên tài khác, khi thế thua đã rõ, Napoleon  chạy khỏi Nga trước đoàn quân của mình, người chỉ huy đám tàn quân là thống chế Ney. Ney là một quân nhân chân chính, loại chiến sĩ của các anh hùng ca thời cổ đại.  Ông ra trận thường dẫn đầu kỵ binh xung phong, ở Waterloo phải thay ngựa bốn lần vì ngựa bị thương mà kiêt sức, rồi bỏ ngựa  dẫn bộ binh cảm tử xông vào đội hình của người Anh trong những giờ phút  cuối cùng của đế chế. Người Anh  sau đã dùng tên ông đặt cho một chiến hạm lớn của hải quân hoàng gia. Nhưng Ney trong bức tranh trông thật mệt mỏi và thất vọng, khuôn mặt vẽ bằng những nét tối, chìm trong nền của bức tranh.  Phần sáng của bức tranh là ánh tuyết từ mặt đất chiếu lên, cùng với những xác người và những binh sĩ ôm nhau chờ chết vì giá lạnh.

Ở phòng bên cạnh, có một bản “Người suy nghĩ” (Thinker) của Rodin. Tượng người đàn ông tay chống vào cầm ngồi ngẫm nghĩ trên một phiến đá,  từng bắp thịt trên lưng  cũng căng lên theo ý nghĩ. Ngôn ngữ cơ thể rất thống nhất và ấn tượng.  Tượng Thinker bằng đồng, và được  đúc nhiều bản, đặt khắp nơi trên thế giới. Kích cỡ các tượng này đều to như người thường. Nhưng thật ra đơn đặt hàng lúc đầu của Rodin là cả trong một quần thể lớn hơn gồm các nhân vật trong “Thần Khúc” của Dante, với người suy nghĩ (có lẽ mô phỏng chính Dante) ở trung tâm.   Khi làm xong, Rodin lại quá thích nhân vật trung tâm này nên làm nó thành một bức tượng riêng, lớn hơn kích cỡ ban đầu. Bản ở Yale (chỉ cao chừng 70 cm), chính là một ấn bản của bức tượng đầu tiên của Rodin trong quần thể lớn.

Căn phòng thứ ba cũng nhỏ,  trên tường chỉ có vài bức tranh. Trong đó có một trong những bức hoạ nổi tiếng nhât của Van Gogh: Quán càfe đêm (Le cafe de  nuit). Cả bức  vẽ bằng gam vàng xanh, nhấn vào ánh đèn lạnh lẽo toả xuống từ trần nhà. Cafe đêm không phải chỗ  nam thanh nữ tú  tâm sự yêu đương, cũng chẳng phải chỗ  trí thức  nhà văn  cao siêu đàm luận. Nó là chỗ  của các bợm nhậu  bét nhè, của vài anh vô gia cư hay chán đời không biết đi đâu, và của các cô gái điếm đang giờ ế khách. Tất cả nhân vật trong ảnh, mặc dầu không ai rõ mặt, đều tỏa ra vẻ ủ rũ mệt mỏi.  Bản thân Van Gogh đã vẽ bức tranh này để gán nợ cho chủ quán. Ông chủ,  đứng giữa bức tranh, mặc comple trắng nhưng không giống Humphrey Bogart của Casablanca một tẹo nào. Mắt ông đầy quầng thâm, và nét mặt  chẳng được vui. Mà vui thế nào được khi quán toàn những khách trả nợ bằng tranh  thay bằng tiền mặt.

Giữa bức hoạ của Sheffer và tượng của Rodin có một chiếc ghế dài màu đen, chiếc ghế duy nhất trong cả mấy căn phòng. Bạn có thể ngồi đây rất lâu,  ngắm tranh hay nhìn ra cửa sổ, dưới nó là khu phố riêng của Đại học Yale. Phố rất hẹp, một chiều và chỉ một làn xe. Một bên là Harkness tower, một biểu tượng của trường thường thấy trên các bưu thiếp và trụ sở của Bones society, một toà nhà nâu cục mịch không có cửa sổ và cửa chính cũng hầu như không bao giờ mở. Mấy chục năm trước, nhưng hội viên của hội này đã sáng lập  cục tình báo trung ương Mỹ (CIA). Bên kia là ký túc xá, với những hàng cây cổ thụ và cổng bằng đá.  Cô nữ sinh đứng tần ngần dưới mái đá như chờ bạn trai che ô để bước ra.

Mưa vẫn tiếp tục rơi. Có phải hạt mưa nơi nào cũng  giống nhau ?

Đọc truyện Tam quốc

Nghe nói một trường đại học rất oai đang nghiên cứu đề tài  lập trình tế bào. Đây sẽ là một phát minh vĩ đại nhất, thay đổi bộ mặt thế giới, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen.   Chẳng hạn các tế bào da mặt đang ở độ tuổi 4x, chỉ cần bấm nút một cái, chúng sẽ tự lập trình trở thành tế bào x4—với mọi giá trị của x.

Ngày thứ sáu trước kỳ nghỉ xuân, các tế bào trong cơ thể, không đợi công trình ISI  của các nhà khoa học của truòng đại học rất nổi tiếng kia, tự động bấm nút chuyển sang cơ chế lười.  Mặc dầu chủ nhân của chúng muốn nhỏm ra khỏi giường và tập thể dục, bọn tế bào nhất loạt nằm ườn  ra, giương mỏ lên thách thức một cách lì lợm. Cuối cùng có vài chú tế bào não khá nhất,  hơi nâng được cơ cổ nhỏm lên nhìn ra ngoài cửa sổ.

Tuyết lại rơi ! Vừa hôm nọ 8/3,  ông giời như cũng hơi nịnh đầm cho một ngày nắng ấm chim chóc chui ra hót líu lo. Cái trò nịnh này, như ta đã biết là  được vài hôm là trở mặt ngay, nên hôm nay tuyết  rơi tá lả, cộng thêm gió thổi làm hạt tuyết bay lên lộn xuống, quất vào cành cây run lẩy bẩy.  Tự dưng nhớ câu La Quán Trung tả Triệu Vân trong Tam quốc:  “Ngọn thương của Vân  múa, khi lên khi xuống thấp thoáng như cành hoa lê bay, lộn trước lộn sau tơi bời như hạt mưa  tuyết toả.” 

Tam quốc có lẽ là một trong những tiểu thuyết quen thuôc  nhất với người Việt.  Truyện viết rất khéo,  lúc bé mê đã đành, mà lớn lên đọc vẫn  thấy hay, theo một cách khác. Hơn một thế kỷ trước, khi chữ quốc ngữ bắt đầu được phổ dụng, Tam quốc là một trong những bộ sách lớn đầu tiên được  in,  mục đích khuyến khích việc học chữ.  Câu nói nổi tiếng của ông  Nguyễn Văn Vĩnh  “Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ…” chính là nằm trong phần lời tựa của ông viết cho bản dịch Tam quốc của cụ Phan Kế Bính.

Những năm 70-80, Tam quốc in thành bộ 8 hay 13 tập gì đó. Chẳng nhà nào có trọn bộ, hay có thì cũng dấu thật kỹ,  thỉnh thoảng lôi ra thưởng thức nhâm nhi một mình.  Trẻ con chuyền tay nhau đọc, thường là một tập đơn lẻ, không bao giờ có trang đầu mà cũng chẳng có trang cuối, các ông tướng thì anh nào trông cũng như Quan Công vì  toàn bị vẽ thêm một hai bộ râu bằng mực tím.   Mượn được quyển ấy về, nếu không có bánh kẹo gì chi ra khá đậm, hoặc nịnh nọt làm bài hộ cho chủ sách, thì còn xơi.  Được nhõn một hôm, nó đã lù lù sang đòi, ý chừng bánh đã hết hoặc lại lười làm bài.  Lần đầu được đọc no nê là đi học thêm tiếng  Anh ở nhà cô Ý Nhi, vì chồng cô có một bộ mượn thư viện làm sách khảo cứu. Từ đó trở đi, hôm nào đi học tiếng Anh cũng đi sớm hai tiếng để ôn bài.  Sau hai năm thì tiếng Anh vẫn ở mức tuần có bảy ngày Monday, Tuesday…. và ngày nào cũng I love you,  nhưng hiểu biết Tam quốc đã tiến rất khá.

Lũ tế bào não tự dưng khui ra anh Triệu Vân, chúng khoái chí lan man đi theo anh  một lúc. Hồi bé chỉ nhớ anh Vân  đẹp giai võ giỏi cực kỳ, lớn lên phải đi làm kiếm tiền rồi tự dưng nghĩ luẩn quẩn không biết vợ con gia đình anh sống thế nào, vì đọc truyên thấy chả khi nào anh được làm  gì to,  so với các anh Quan Công, Trương Phi, Nguỵ Diên, Lý Nghiêm vv đều chức tước quan trọng, bổng lộc chắc cũng khá. Mãi sau khi Lưu Bị chết, họ Triệu già rồi mới được thăng Chinh Nam tướng quân, làm được vài năm thì mất.  Vài chục năm sau, Lưu Thiện đặt tên thuỵ cho các công thần (một kiểu tôn vinh ngày xưa), Vân không được đặt, Khương Duy cùng các tướng xin mãi mới được.

Tả Triệu Vân ngoài đời (tức là lúc anh không múa giáo), chỉ có vài chuyện.   Khi Lưu Bị đánh úp Kinh Châu, Triệu Vân tấn công quận Quế Dương,  tướng  trấn thủ ở đó là Triệu Phạm thấy giữ thành không nổi liền ra hàng. Phạm có người chị dâu ở góa, là bậc quốc sắc, muốn mai mối cho Vân để làm thân, nhưng Vân nhất quyết  không đồng ý. Vài tháng sau Triệu Phạm làm phản, Vân cũng chỉ cười.

Sau đó vài năm,  Lưu Bị chiếm được Ích Châu, các tướng đi theo đã gian khổ  lâu năm, nhiều người kiến nghị chia chác nhà cửa, ruộng vườn ở Thành Đô làm phần thưởng.  Riêng Vân phản đối, nói

…. chúng ta không nên tham sự yên ổn. Đợi đến khi bình định được thiên hạ, chúng ta ai nấy trở về trồng dâu cấy lúa trên đất của mình, thế mới phải. Trăm họ Ích châu vừa trải qua loạn lạc, ruộng vườn nên trả cho họ cày cấy làm ăn. Như thế chúng ta mới làm họ yên lòng và mới trưng dụng được sức người sức của họ được

Lưu Bị nghe theo, nhờ vậy Ích châu được ổn định dưới chính quyền mới. Nếu những chuyện này có  thật, thì  “Tử Long toàn thân là đảm” cũng không hẳn là quá lời. Người tài năng mà tinh thần lại như thế, thì người ta chỉ có sợ hay phục, chứ không ai thích, lẽ dĩ nhiên không phe nào  muốn đủn anh lên cao, kết cục là không được lên chức cũng là điều dễ hiểu.

Lan man đến đây thì bọn tế bào não cũng lăn quay ra lười nốt.

 

 

 

 

 

 

Nhân vật lịch sử: Tuệ Trung Thượng Sĩ

Núi Yên Tử là một ngọn núi nằm ở ranh giới giữa 2 tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Núi này cao, nhưng cũng còn xa so với những ngọn cao nhất ở Việt Nam. Nó nổi tiếng vì được coi là đất Phật, gắn liền với thiền phái Trúc Lâm.

Giáo chủ thứ nhất của phái Trúc Lâm Yên Tử là vua Trần Nhân Tông, đồng thời cũng là một trong những vị vua nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam. Vua Nhân Tông lãnh đạo cả nước đánh bại quân Nguyên, bến Tây Kết giết Toa Đô, sông Bạch Đằng bắt Ô Mã, viết nên hùng ca cho người Việt. Nhà vua sau từ bỏ ngai vàng, tu trên Yên Tử, đi khất thực (xin ăn) đến tận Chiêm Thành, người Chiêm rất mến mộ. Nhưng đạo Phật, và cả Yên tử, đã đến với các vua Trần từ khá lâu trước đó.

Năm 1226, Trần Cảnh (sau này là Trần Thái Tông, vua đầu tiên của nhà Trần, ông của Trần Nhân Tông sau này) là một cậu bé, nhờ có thế lực của ông chú (Trần Thủ Độ) là người cầm quyền chính lúc bấy giờ, được vào hầu trong cung. Nhà vua lúc đó là cô bé Lý Chiêu Hoàng hơn Trần Cảnh một tuổi. Hai đứa bé chơi với nhau rất thân thiết. Chiêu Hoàng, vừa là chị, vừa là nữ hoàng, dĩ nhiên bắt nạt bạn, lúc thì chạy vào đúng đằng sau bóng, lúc thì té nước, lúc thì ném khăn. Một hôm nữ hoàng ném khăn trầu cho Cảnh, cậu bé đỡ được mà thưa “Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh”. Chiêu Hoàng cười, nói: “Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn đó”. Trần Thủ Độ nhân đó xe duyên cho hai người lấy nhau, rồi Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Cảnh, xuống làm hoàng hậu. Vương triều nhà Trần bắt đầu.

Các sách sử cũ rất ít khi ghi lại cuộc sống gia đình của các bậc vua chúa. Nhưng nhà vua trẻ, được sống với cô bạn của tuổi thơ và nữ hoàng của mình, có thể đã có một thời gian rất hạnh phúc. Năm 1233,  đứa con trai đầu lòng của họ sinh ra, nhưng không sống được lâu. Sau đó Chiều Hoàng không có mang nữa. Trần Thủ Độ, lo lắng cho tương lai của họ Trần, ép nhà vua bỏ vợ mà lấy công chúa Thuận Thiên, vợ Trần Liễu anh ruột nhà vua. Thuận Thiên là chị  của Chiêu Hoàng, lúc đó có mang 3 tháng. Trần Liễu uất ức khởi binh dọc theo sông Hồng lên đánh kinh thành.

Trần Cảnh khi đó 20 tuổi. Chàng trai trẻ, ngôi vị đã tột cùng mà lòng đầy đau khổ, một buổi tối cùng mấy người tuỳ tùng bỏ cung điện đi lên Yên Tử. Đến sáng thì tới nơi, bỏ ngựa mà leo bộ lên núi. Nhà vua gặp sư trụ trì là hoà thượng Pháp Vân, khóc mà nói

-Trẫm còn thơ ấu, đã sớm mất mẹ cha, chơ vơ đứng trên sĩ dân, không có nơi nương tựa. Lại nghĩ rằng sự nghiệp đế vương đời trước hưng phế bất thường, cho nên trẫm mới lên núi, chỉ muốn cầu thành Phật, chứ chẳng muốn tìm gì khác.

Hoà thượng đáp:

-Trong núi vốn không có Phật. Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng và trí tuệ xuất hiện, đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không cần đi tìm cực khổ bên ngoài.

Ngày hôm sau, Trần Thủ Ðộ đem các quan lên núi Yên Tử đón vua về kinh, nhà vua không chịu về. Thủ Độ liền sai người làm luôn hành quán dưới chân núi họp các quan ở đó, không ai về Thăng Long nữa.  Pháp Vân thấy vậy, cầm tay nhà vua mà nói:

-Phàm làm đấng minh quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình,  tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ không về sao được?

Vua Thái Tông theo Trần Thủ Độ trở về Thăng Long, đem chiến thuyền đóng trên sông mà chặn Trần Liễu. Trần Liễu cô thế, phải giả làm người đánh cá đến gặp em để đầu hàng. Trần Thủ Độ biết tin, đến muốn chém Liễu. Vua Thái Tông dùng thân mình che chở cho anh, Trần Thủ Độ giận, ném thanh gươm xuống sông mà bỏ đi. Trần Liễu thoát chết, nhưng thủ hạ đi theo mấy nghìn người đều bị giết cả. Sau Trần Liễu được phong ấp ở An Sinh (An Sinh Vương), tìm hào kiệt trong thiên hạ về dạy dỗ người con trai là Quốc Tuấn để báo thù.

Vua Thái Tông về kinh đô, có thời gian rảnh rỗi đều chuyên tâm vào việc học kinh, đến cuối đời đã thành một học giả uyên bác. Truyền thống nghiên cứu Phật học của các vua triều Trần bắt đầu từ vị vua đầu tiên. Thế nhưng, từ việc Thái Tông đến với Phật giáo như một cách giải cứu nỗi đau khổ nội tâm, đến việc Nhân Tông  đến với Phật giáo với tư cách một giáo chủ, cũng như từ mối thù sinh tử của An Sinh Vương đến sự hoà hợp giữa hai họ nhà Trần dưới thời Hưng Đạo Vương  (Trần Quốc Tuấn)  có một gạch nối rất quan trọng.

Tuệ Trung  là tên hiệu của Trần Tung, con cả của Trần Liễu (tức anh của Hưng Đạo Vương và hoàng hậu Thiên Cảm sau này). Lớn lên được cử trấn  giữ đất Hồng Lộ (Hải Dương bây giờ). Trong chiến dịch giải phóng Thăng Long, ông cùng Hưng Đạo Vương đem 2 vạn người đánh bại tướng nhà Nguyên là vạn hộ Lưu Thế Anh. Sau chiến tranh ông được thăng tiết độ sứ Thái Bình, nhưng chẳng bao lâu từ chức, lui về thực ấp mà tu niệm.

Tuệ Trung  khí lượng thâm trầm, phong thần nhàn nhã, bản tính thuần hậu, như người sinh ra để học đạo vậy. Các người tu hành đương thời đều kính trọng đạo học và tư duy của ông. Thượng sĩ (có nghĩa như Bồ tát) là cách vua Thánh Tông (cha của Nhân Tông) gọi ông. Vua Thánh Tông cưới em gái của Tuệ Trung (hoàng hậu Thánh Cảm), cũng là người tu hành, coi Tuệ Trung như sư huynh. Vua Nhân Tông (con Thánh Tông) sau theo học ông rất nhiều.

Tuệ Trung không coi trọng hình thức, không lên chùa mà tu tại gia. Một hôm hoàng hâu mời ông vào  cung ăn tiệc. Trên bàn có những món mặn và món chay, ông đã gắp thức ăn một cách không phân biệt. Hoàng hậu hỏi: “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao mà thành Phật được?” Ông cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh; anh không cần thành Phật. Phật không cần thành anh”. Nhân Tông lúc đó còn là cậu bé, ghi nhớ việc ấy. Đến khi trưởng thành, giả bộ ngây thơ hỏi  thầy

-Bạch thượng sĩ, chúng sinh quen cái nghiệp ăn thịt uống rựơu thì làm thế nào mà thoát khỏi tội báo ?

Tuệ Trung  trả lời

-Nếu có người đang đứng xây lưng lại, thình lình vua đi qua sau lưng, người ấy không biết, cầm một vật gì ném nhằm vua. Thử hỏi: người ấy có sợ không, ông vua có giận không? Nên biết hai việc ấy không dính líu gì với nhau vậy.

Tuệ Trung biết là Nhân Tông còn thắc mắc, liền đọc bài kệ

Có loài thì ăn cỏ.
Có loài thì ăn thịt
Xuân về thảo mộc sinh
Tìm đâu thấy tội phúc?

Nhân Tông băn khoăn

-Như vậy thì công phu giữ giới trong sạch không chút xao lãng là để làm gì?

Tuệ Trung cười không đáp. Vua cố nài. Tuệ Trung đọc bai kệ

Trì giới và nhẫn nhục
Thêm tội chẳng thêm phúc
Muốn siêu việt tội phúc
Ðừng trì giới nhẫn nhục.
Trì giới và nhẫn nhục, là căn bản tu luyện của nhà Phật. Tuệ Trung không có ý phá giới, nhưng muốn chỉ ra rằng sự phân biệt giữa tội và phúc,  giữa trì giới và phá giới là một trở lực lớn trong việc giác ngôn.  Ông chủ trương trì giới  mà không kẹt vào ý niệm mình đang trì giới.   Theo ông đây mới là con đường đến sự giải thoát.  Ông  tin vào sự hướng thiện,  chống lại các thành kiến. Một hôm vua Nhân Tông hỏi về tông chỉ thiền phái của Tuệ Trung.  Ông  đáp:

-Hãy quay về tự thân mà tìm lấy tông chỉ ấy, không thể đạt được từ ai khác.

Khi ốm nặng,  Tuệ Trung không nằm trong phòng riêng mà cho kê giường nằm ở  thiền đường.  Thê thiếp kêu khóc  ầm ỹ.  Thiền sư mở mắt ngồi dậy, bảo lấy nước rửa tay súc miệng rồi quở nhẹ rằng: “Sống chết là lẽ thường nhiên, sao lại buồn thảm luyến tiếc để cho chân tính ta náo động?”. Sau đó mất, thọ 61 tuổi.

Vua Nhân Tông  tôn Tuệ Trung làm thầy, mặc dầu ông cũng không truyền y bát theo lối cổ điển. Các tác phẩm của Tuệ Trung ý nghĩa sâu xa, chú trọng việc giác ngộ qua chân tâm, học giả đời sau phân tích rất nhiều. Tư tưởng của ông ảnh hường mạnh mẽ lên thiền Trúc Lâm; Pháp Loa (tổ sư thứ hai của Trúc Lâm) viết  về ông

Gang ròng nhồi lại
Sắt ống đúc thành
Thước trời  đất
Gió mát trăng thanh.

Vĩ thanh: Núi Yên Tử từ lâu đã là thắng cảnh nổi tiếng, phong cảnh tao nhã.  Từ khi có cáp treo, đến mùa lễ, người lên núi  có ngày kể hàng vạn, khí thế dời sông bạt núi. Giặc Nguyên có đến, chắc cũng phải sợ.   Báo chí đăng tin, nhiều vị tu hành đời nay, không biết có phải theo phong thái  người xưa, ăn mặn khá dữ, ngoài ra nhắn tin lại cũng rất nhanh.

Giáo sư phiêu lưu ký: Singapore

Tuần vừa rồi tôi ở Singapore, thăm đai học NUS.

Singapore thì đã rất nhiều người đi và biết rất rõ, nên tốt nhất là chả nên tả cái gì. Các bạn đồng nghiêp ở Sing hiếu khách, mời đi chén liên miên. Tiện tay ghi lại một vài cảm nhận từ các bữa này.

(1) Phần lớn người Sing là gốc Tàu, nói tiếng Tàu với nhau. Nhưng giữa họ có sự phân biệt. Các chức vụ quan trọng xem ra phải do người Tàu đã ở Sing nhiều đời nắm giữ. Vì một lý do nào đó, người Sing rất coi trọng quốc phòng. Thanh niên hết trung học phải vào quân đội 2 năm, giống như chế độ ở Hàn Quôc và Israel. Cái khác là hai nước trên có đối thủ luôn đe doạ rất rõ ràng, còn Singapore có vẻ như không ở trong tình thế ấy (?).

Trong bữa chén thứ nhất, một đồng nghiệp người Tàu than thở là con anh ấy đang phục vụ trong quân đội, nó thích lái xe tăng, nhưng mà không được tuyển, vì bố nó, tức là đồng nghiệp đáng kính kia, là Tàu nhập cư. Tức là đến đời cháu may ra mới lái xe tăng được.

(2) Đường phố ở Sing sạch kinh hoàng, giao thông xây dựng qui hoạch rất ổn, bệnh viện tốt mà chi phí lại thấp. Cái đó đã nhiều người khen. Khen thêm một tí là họ làm tất cả những thứ ấy với một mức thuế thu nhập gần thấp nhất thế giới (cỡ trung bình độ 12%).

Đã sach đẹp như thế, nhưng chính phủ rách việc vẫn tìm cách cải thiện. Dự án lớn, do một quan chức của trường, trong bữa chén thứ 2, tiết lộ, là họ đang nghiên cứu làm sao giảm nhiệt độ toàn thành phố xuống 4 độ C (ở Sing hiện hơi nóng). Nhiệt độ ngoài đường chứ không phải trong các toà nhà, vốn đã được điều hoà gần như liên tục. Một phương án là sơn lại tất cả các con đường và mái nhà bằng màu sáng và loại sơn đặc biệt không hấp thụ nhiệt.

(3) Bữa thứ 3 có năm người, 4 anh châu Á và một anh Tây. Cả 4 anh châu Á đều nghiền chưởng Kim Dung (tât nhiên bằng ngôn ngữ khác nhau), chỉ có Tây trình kém là nghe lơ ngơ không hiểu gì. Open problem đặt ra là tại sao nam giới lại thích chuyện chưởng ? Có phải vì đàn ông thích đánh nhau ? Cái này chả phải, như mình đây là người cực yêu hoà bình. Hay họ thích khám phá các đại án rắm rối phức tạp ? Chắc cũng cóc phải nốt. Hơi đâu.

Câu trả lời đạt điểm cao nhất thuộc về một đồng nghiệp ở khoa kinh tế. Theo anh này, nếu ta chú ý, tất cả các nhân vật nam chính trong truyện Kim Dung đều xuất thân nhà nghèo, đời sống vất vả, còn các nhân vật nữ chính, người yêu tương lai của họ, chẳng những quốc sắc thiên hương, mà đều con nhà quyền quí, cành vàng lá ngọc. Các anh nam chính đang yên lành làm thuê làm mướn, một ngày đẹp trời đi đào sắn lại xơi phải nhân sâm ngàn năm, tự dưng có nội công ngăn sông bạt núi. Rồi ở hiền gặp lành, tự dưng vớ được bí kíp độc đáo trong đống sách cũ (qua đây có thể thấy rõ lợi ích của việc đọc sách), hoặc ra đường tự dưng gặp kỳ nhân chỉ bảo, chẳng mấy chốc có tuyệt kỹ hàng long phục hổ. Thế rồi đi ra đường, tự nhiên gặp nhân vật nữ chính, vừa xinh lại vừa quí, đúng lúc bị đầu gấu trêu ghẹo…. Vài ba cái tự nhiên như vây, làm cho độc giả cảm thấy như cuộc đời như có tia hy vọng 🙂

(4) Đến bữa thứ tư thì vấn đề thứ nhất là không thể ăn được nữa. Các đồng nghiệp tốt bụng thết khách kiểu Quảng đông mỗi bữa rât nhiều món, trong một bữa mỗi người dùng số lượng bát đĩa đủ cho một gia đình 4 người và 2 con mèo, và món nào cũng có vẻ rât bổ (mặc dầu ăn xong không thấy võ công lên tý nào, chỉ thấy bụng có vẻ nặng nặng).

Câu hỏi lớn của bữa này là đàn ông thời hiện đại và trung cổ ai dũng cảm hơn ? Các quan khách đi đến sự nhất trí là đàn ông thời chúng ta đang sống là dũng cảm nhất. Trong các chuyện cổ tích, ngày xủa ngày xưa các hiệp sĩ (tất nhiên đại diện cho sự dũng cảm) chiến đấu tay đôi với sư tử (hoặc hổ, báo, rồng vv, tuỳ theo văn hoá mỗi nước) để giải cứu (và sau đó kết hôn) công chúa.

Các hiêp sĩ thời hiện đại kết hôn luôn với sư tử.

Disclaimer: Người viết bài này không phải là hiệp sĩ. Để cho chắc ăn, anh cũng không quen ai là hiệp sĩ.

 

 

 

 

 

 

 

 

Kung-fu tốt,kung-fu xấu

Người Việt ta ít nhiều đều đọc chuyện chưởng, hay xem phim kiếm hiệp. Dĩ nhiên của Tàu.

Cuối những năm 80,và trong thập kỷ 90, thời mở cửa, các văn hoá phẩm này ồ ạt tràn sang. Từ phim lẻ  vài ba tiếng đến phim bộ, loại có thể xem từ lúc con bạn còn ị đùn đến lúc nó  lấy vợ  (thời gian này có thể thay đổi từ 3 đến 30 năm,  theo từng gia đình),  rồi các loại truyện ngắn truyện dài  đủ cả.

Mặc dầu thể loại biến đổi,  nội dung các văn hoá phẩm này tương đối giống nhau. Công phu đã tuyệt đỉnh,  kiếm khách lại đa tình. Thôi thì tha hồ mà yêu đương nức nở. Nhưng đến màn kết thì kiểu gì thì kiểu, anh kung-fu tốt phải đánh lăn quay anh kung-fu xấu. Xấu đây không phải là xấu giai, mà là tư tưởng anh có vấn đề, nên ku loay hoay tập luyện kiểu gì cũng không thành cao thủ nhất lưu được.

Điểm đặc trưng ở đây là cả  hai anh fu tốt và fu xấu, phần nhiều đều cùng là người Trung Quốc.  Cao thủ chùa Thiếu Lâm, Võ Đang tỷ thí, giang  hồ hai bên bờ sông Trường Giang tranh hùng, rốt cuộc đều là Tàu đánh lẫn nhau cả.

Theo dòng thời gian, Trung Quốc trở thành một quốc gia mạnh mẽ,  tăng dần ảnh hưởng ra bên ngoài. Dòng văn chương, phim ảnh này cũng khác đi. Anh fu tốt, nhất đinh vẫn phải là người Trung Quốc xịn, nhưng vai fu xấu, giờ thường đã được chuyển sang cho các  võ sư đại diện cho các thế lực hắc ám đến từ phương Tây, hay trong một vài trường hợp, Nhật Bản. Dễ thấy nhất là sự thay đổi trong các phim của Thành Long từ những năm 70-80 đến nay.

Tôi có một đồng nghiệp Trung Quốc,  lâu lâu mới gặp. Gọi là Trung Quốc, thật ra anh này sống ở Mỹ từ giữa những năm 80, học xong đại học là đi ngay, tính tình rất dễ chịu.   Anh quan tâm đến tình hình quốc tế khá nhiều. Ngồi ăn tối, anh kể chuyện theo dõi đại hội (của Việt Nam hồi đầu năm), phân tích ông này cụ kia không kém gì BBC tiếng Việt. Chuyện đã đến đấy, thì rất dễ nhảy sang vấn đề biên giới. Nhưng nếu một bên cứ gọi là biển Nam Hải, bên kia  khăng khăng là biển Đông, thì cá rán sẽ dễ bị nguội ngắt ra không ai ăn. Chuyển qua chủ đề đại cương hơn, là các đường biên giới ở châu Á nói chung, anh có một lý thuyết khá thú vị là các nước phương Tây, trong quá khứ, cố tình chia một số đường biên giữa các nước châu Á  một cách mập mờ, để các nước trong cuộc tranh giành gây hấn với nhau không nguôi (?!).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhân vật lịch sử: vua Lê Thái Tông

Vì truyền thuyết có lẽ rất khó tin của cụ rùa đòi kiếm, thành ra vua Lê Lợi tự dưng gắn với hồ gươm.  Nên bây giờ trên mạn đó có rất nhiều phố người nhà  Lê.

Hai phố to nhất là hai cụ vua: Lê Thái Tổ  và Lê Thánh Tông. Phố Lê Thái Tổ chạy dọc hồ ra đến Tràng Thi. Còn phố  Lê Thánh Tông cũng bắt đầu từ Tràng Thi, chỗ nhà hát lớn.  Dĩ nhiên cả hai  phố đều là  đất vàng đắt kinh hoàng.

Về mặt gia phả mà nói, cụ Lê Thái Tổ (Lê Lợi) là vua ông, cụ Lê Thánh Tông là vua cháu. Cái gạch nối ở giữa, là ông vua con, lại không có phố.

Ông vua con đây chính là vua Lê Thái Tông, mà cuộc đời rất ngắn nhưng vô cùng đặc biệt.

Vua Lê Thái Tông làm vua vỏn vẹn có 9 năm, từ lúc ông 10 đến lúc 19 tuổi. Trong lịch sử, vua bé con mà lại mất sớm như thế,  nhiều khi do các quyền thần dựng lên và dẹp đi, vì mục đích cá nhân của họ.

Kịch bản lên ngôi của vua Lê Thái Tông có lẽ cũng bắt đầu như thế. Sau khi đuổi được giặc Minh lên làm vua, Thái Tổ Lê Lợi  có con lớn là Tư Tề,  đã trưởng thành, từng tham gia chiến trận.  Ông này đã  được lâp lên làm giám quốc, thay bố cai trị đất nước. Vì một lý do nào đó, Lê Thái Tổ bỏ Tư Tề, lập con thứ là Nguyên Long làm thái tử. Đây  là kết quả của cuộc tranh giành quyền lực đầu tiên nhà Hậu Lê, khởi đầu cho những cuộc tranh giành khác kéo dài cả mấy chục năm và dẫn một thống kê thú vị là nghề rủi ro nhất trong thời gian đầu nhà Lê không phải là là nghề mò ngọc trai hay săn thú dữ mà là nghề làm thái úy.

Hoàng tử Nguyên Long được sự ủng hộ của Lê Sát, Lê Ngân, Phạm Vấn;  Tư Tề có hậu thuẫn từ Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo. Cả năm người đều là khai quốc công thần hạng nhất của nhà Lê.  Kết quả phe  Lê Sát thắng; nhiều nhà sử học cho cuộc tranh chấp này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của cả Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo.

Hoàng tử Nguyên Long lên ngôi năm 1433, tức vua Lê Thái Tông, lúc có 10 tuổi. Phạm Vấn mất sớm, quyền lực tập trung vào tay Lê Sát. Con gái ông được lâp làm nguyên phi. Các tướng Lam Sơn thân với Lê Sát như Lê Ngân, Lê Văn Linh, Lê Ê đều giữ địa vị quan trọng trong triều.  Những người không ăn cánh với ông  kẻ bị thủ tiêu, người bị cách chức hay đẩy đi các tỉnh.

Kịch bản đến đây giống như các sách cổ. Nhưng nó thay đổi rất nhanh,  ngoài sự dự liệu của cả  những người trong cuộc.  Năm 1437, nhà vua 14 tuổi. Tuổi này trẻ con ở Mỹ chưa được luật pháp cho phép ở nhà một mình; ở Việt nam thì nhiều bạn còn bắt bố mẹ mặc quần áo. Năm 1437, vua Lê Thái Tông giết cả hai đại thần Lê Sát và Lê Ngân.

Đầu tiên nhà vua gọi Trịnh Khả từ tỉnh ngoài về chỉ huy cấm binh ở kinh đô. Trịnh Khả là người bị Lê Sát đẩy ra ngoài vì không cùng cánh. Lê Sát  vào cung tâu với nhà vua lo là Khả sẽ hại mình. Nhà vua không nói gì. Ba ngày sau Lê Sát bị bắt, con gái đang làm nguyên phi bị giáng làm thứ dân. Đến tháng 7 năm đó, Lê Sát bị kết tội, buộc phải tự sát.

Chức của Lê Sát được trao cho Lê Ngân, con gái ông này được tuyển làm nguyên phi thay con gái Lê Sát.  Đó chỉ là một nước cờ của ông vua 14 tuổi,  có lẽ nhằm ly khai hai viên đại thần này mà thôi.  Bản án giành cho Lê Ngân cũng đã được viết rồi.

Tháng 11 cùng năm, Lê Ngân cũng bị bắt và buộc phải tự sát, con gái  bị giáng làm cung nữ.  Tội danh của ông có lẽ là tội danh đặc biệt nhất thời đó. Lê Ngân bị buộc tội là cúng bái trong nhà để cho con gái được vua yêu.  Thật là một bài học đáng ghi nhớ cho các ông bố vợ. Triều thần có phần bức xúc vì sự lạm quyền của Lê Sát, nhưng đến Lê Ngân thì không ít người cam chịu sự trừng phạt của nhà vua, mà nói thẳng là ông bị oan.

Cầm quyền trong tay, Lê Thái Tông tỏ ra là một ông vua vững vàng trong nhiều lĩnh vực. Năm 1438, ông chỉnh đốn lại việc thi cử, lâp ra lệ tuần tự thi hương 5 năm một lần, thi hội 6 năm một lần. Năm 1942, mở khoa thi tiến sĩ. Tục khắc tên tiến sĩ vào bia Văn Miếu bắt đầu từ đó. (Bây giờ tiến sĩ hơi nhiều, đá thì đắt nên  tục này phải bỏ.)  Năm 1439 và 1441, nhà vua thân chinh cầm quân bình định miền Tây Bắc, dẹp yên nhiều cuộc chống đối được người Lào hậu thuẫn.

Năm 19442, Lê Thái Tông mới 19 tuổi  mất đột ngột tại Lệ Chi Viên, kéo theo sự thảm sát của gia đình Nguyễn Trãi.

Nhà vua có bốn con trai. Bang Cơ mới 2 tuổi được lâp làm thái tử, tức vua Lê Nhân Tôn. Thời gian ông làm vua, thái uý Trịnh Khả bị giết. Năm 1459, nguòi anh khác mẹ là Nghi Dân làm binh biến giết  vua Nhân Tôn. Nghi Dân làm vua được chưa đầy một năm. Cuộc đảo chính đầu tiên của các đại thần Lê Thụ,Đỗ Bí thất bại, những nguòi này chịu nạn. Chỉ vài tháng sau, Đinh Liệt và Nguyễn Xí, những cận vệ cuối cùng của Thái Tổ Lê Lợi còn sót lại, cùng thái uý Lê Lăng đảo chính thành công. Nghi Dân chết. Lê Lăng muốn lập hoàng tử Khắc Xương lên ngôi, nhưng ông này từ chối. Hoàng tử cuối cùng là Tư Thành được lập làm vua Lê Thánh Tông. Sau đó không lâu, Khắc Xương và Lê Lăng bị giết. Thời kỳ văn trị của nhà Lê bắt đầu.

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhật ký Yale: Giải mã Enigma

Tuần này khoa toán có một buổi nói chuyện đặc biệt. Khách mời là David Saltman, giám đốc của một trong ba trung tâm nghiên cứu của IDA (Institute for Defence Analysis), một dạng CIA công nghê của chính phủ.  Bác Saltman ngày xưa làm tiến sĩ toán tại Yale, và đi dậy học một thời gian khá dài. Trong một ngày đẹp trời, tinh thần ái quốc nổi lên, bác đầu quân cho IDA. Thật ra ở IDA các chuyên viên cũng làm toán, nhưng làm toán gì thì cóc được nói ra ngoài. Cũng như ca sĩ sáng tác nhạc chỉ được hát cho nhau nghe.

Vì không được nói cái bác đang làm, bác nói về cái ngừoi khác làm. Cụ thể là chương trình giải mã Enigma.

Enigma quá nổi tiếng, nó là máy mã hoá của Đức trong thế chiến thứ hai. Để buổi nói chuyện thêm xôm, bác S. đem đến  một máy  Enigma xịn, tài sản của IDA, nặng như cùm.  Quá trình giải mã Enigma bạn chắc đã xem qua bộ phim The Immitation Game  gần đây, với  anh  Benedict Cumberbatch  đẹp giai và  cô Keira Knightley eo thon. Phim kể về công trình của Alan Turing, nhà toán học lừng lẫy người Anh, và nhóm của anh, đã phá mã Enigma thành công. Theo giới sử học Anh-Mỹ, công trình này đã giúp kết thúc chiến tranh sớm hai năm, và tránh được cái chết cho hàng triệu người.

Chỉ có điều, Turing không phải người đầu tiên làm được điều đó.

Chuyện của Saltman hướng về  một nhóm nhà toán học người Balan, dẫn đầu bởi Marian Rejewski, đã phá mã Enigma thành công từ những năm 30s, 10 năm trước nhóm của Tủring. Đã có những giai đoạn nhóm này có thể đọc được 75% các trao đổi của quân đôi Đức, đáng tiếc công trình của họ không giúp cho quân đội Balan, với trang bị kém hơn hẳn và phải thụ địch từ cả hai phía, tránh khỏi thảm bại. Lịch sử, dĩ nhiên được viết bởi nước thắng cuộc.

Trong quá trình giải mã, Rejewski và đồng đội có một số ý tưởng rất thông minh. Một ví dụ là mật mã sau:

TYUE MHJU STKJ ITHY QURE XCDF ZSAI NHJM KOPH XCVB BFYT ĐHIU QPOK ÁZXD MING

CTUO OKPO ẺKGU VBGI HINU NHHJ SDAW QECU EKMH JPOY TVFG SEEG VGUI MFDX

Quá trình mã hoá dựa trên các hoán vị của 26 chữ cái.  Cái hiểm hóc của Enigma là mỗi lần bấm một chữ cái mới trong bản tin cần chuyển, máy sẽ mã hoá chữ này bằng một hoán vị mới. Chẳng hạn thông tin (nhậy cảm)  BEO, sẽ được mã hoá thành p(B) q(E) r(O), trong đó p,q,r là ba hoán vị khác nhau do máy Enigma tự làm ra vào thời điểm gõ chữ.

Tất nhiên, vì  sinh ra bởi  máy, các hoán vị P,Q,R không phải ngẫu nhiên. Một đặc điểm của Enigma, do cơ chế cơ khí của nó,  là tất cả các hoán vị do nó sinh ra gồm các cập chữ đảo cho nhau, chẳng hạn nếu p(B)= G, thì p(G)= B, q(E)= A thì q(A)= E, r(O)= Y thì r(Y)= O vv. Vì vậy không có chữ nào được hoán vị với chính nó.  Bạn có thể thấy trong mật mã trên không có chữ L nào. Điều đó cho thấy khả năng rất cao là đoạn văn chưa mã hoá gồm toàn chữ L (dĩ nhiên do nhân viên điện đài gõ chơi để thử máy). Đoạn văn này chả có nội dung gì, nhưng một khi biết cả đoạn chưa mã hoá và đoạn đã mã hoá, thì khả năng đoán được mã là khá cao.

Các hoán vị của Enigma được thay đổi hàng ngày, bằng cách quay 3  trục trên máy. Các trục sẽ đứng vào một tổ hợp cố định trong ngày. (Trong thực tế tổ hợp  này là 3 số, tôi sẽ dùng các chữ cái cho dễ diễn đạt.) Chẳng hạn các trục được xét ở vị trí RU-AB-AT  thì trong ngày hôm đó máy sẽ mã hoá một kiểu, nếu hôm sau trục để theo vị trí khác, như DO-NC-ON, máy sẽ mã hoá theo kiểu khác. Trong phim The Immitation Game, nhóm của Turing phải giải mã  từng ngày, tức là họ tìm cách đoántổ hợp trục của ngày hôm đó, có ngày tìm được, có ngày không. Nhưng  Keira thì hôm nào  cũng xinh.

Trong một thời gian dài, nhóm toán học Balan đoán rất thành công tổ hợp  này.  Thành công này, trớ trêu, được tạo nên bởi sự cẩn thận của người Đức. Các anh Đức, để tăng thêm phần khó cho đối phương, quyết định là mỗi thông tin gửi đi phải được dùng một tổ hợp  trục khác nhau. Tổ hợp này được gửi ở đầu đoạn văn, nhân viên mật mã đọc nó ra bằng tổ hợp của ngày, sau đó chỉnh máy vào tổ hợp trục mới để giải mã, giải xong lại quay máy lại vào tổ hợp của ngày như cũ.  Hiển nhiên đây là một tầng bảo mật mới.

Vấn đề ở chỗ, để cho  chắc ăn,  người Đức gửi tổ hợp trục  mới hai lần ở đầu đoạn văn, đề phòng khi thông tin bị nhiễu (cũng như khi để số ĐT cho ai đó trên băng ghi âm, bạn nhắc lại hai lần). Thông điệp gửi đi  sẽ trông thế này

LA-UN-HA LA-UN-HA   HOM NAY THONG CHE ĐAU BUNG.

Dĩ nhiên, người Balan không nhìn thấy thông điệp này, họ chỉ bắt đươc bản mã hoá thôi.

TI-PU-CV CG-ON-DF   LKJ NHU TTYDF GIO LPY BGTI

Cái mà họ biết, là 12 chữ cái đầu tiên là mã hoá hai lần liền của cùng  một tổ hợp. Nếu  các hoán vị Enigma đã dùng là p_1, p_2,p_3……., thì có nghĩa là p_1(T)= p_7 (c), p_2 (I)= p_8 (G) vv. Nhờ thông tin này, và một số kiến thức về sự vận hành của máy, và tất nhiên, một phần may mắn, họ tìm ra được tổ hợp của ngày, và qua đó đọc hết các trao đổi của đối phương ngày hôm đó. Đáng khâm phục hơn, khác với nhóm Turing, nhóm này không có một máy Enigma nào của quân đội Đức. (Họ biết nguyên lý hoạt động của máy và có thể có một Enigma cũ hơn; Enigma được dùng vào mục đích dân sự từ những năm 1920.)

Các ý tưởng của nhóm Balan được Turing và đồng đội sử dụng và phát triển khá nhiều. Chính phủ  Balan  bất bình vì trong bộ phim The Immitation Game (và nhiều tư liệu khác), chiến công của nhóm Rejewsky chỉ được nhắc rất qua loa. (Trong phim IG chỉ có một câu thoại  nhắc đến họ.)  Balan đang có một phong trào lobby cho việc đề cao công lao của nhóm này.

Về con số 2 năm và mấy triệu người, mình đoán các sử gia ngây ngất men chiến thắng cũng hơi nói quá lên một chút. (Tổng số thiệt hại của Anh trong cả cuộc chiến là 450.000 người; của Mỹ còn ít hơn một chút.) Không nhớ  có chiến dịch hay trận đánh lớn nào mà việc giải mã  qua Enigma có vai trò bản lề ? Một số nhận định cho thấy vai trò việc giải mã quan trọng nhất trong việc đánh đắm một số lớn tàu chở nguyên liệu của đối phương. Rommel phải chịu thất bại và rút khỏi Bắc Phi một phần vì xe tăng hết xăng.

Còn cái máy Enigma, đúng là đồ nồi đồng cối đá của Đức, sau hơn 60 năm vẫn hoạt động một cách rất ổn, bấm đâu chạy đấy.