Bỏ qua nội dung

Giáo sư phiêu lưu ký: Singapore

Tháng Một 13, 2017

Tuần vừa rồi tôi ở Singapore, thăm đai học NUS.

Singapore thì đã rất nhiều người đi và biết rất rõ, nên tốt nhất là chả nên tả cái gì. Các bạn đồng nghiêp ở Sing hiếu khách, mời đi chén liên miên. Tiện tay ghi lại một vài cảm nhận từ các bữa này.

(1) Phần lớn người Sing là gốc Tàu, nói tiếng Tàu với nhau. Nhưng giữa họ có sự phân biệt. Các chức vụ quan trọng xem ra phải do người Tàu đã ở Sing nhiều đời nắm giữ. Vì một lý do nào đó, người Sing rất coi trọng quốc phòng. Thanh niên hết trung học phải vào quân đội 2 năm, giống như chế độ ở Hàn Quôc và Israel. Cái khác là hai nước trên có đối thủ luôn đe doạ rất rõ ràng, còn Singapore có vẻ như không ở trong tình thế ấy (?).

Trong bữa chén thứ nhất, một đồng nghiệp người Tàu than thở là con anh ấy đang phục vụ trong quân đội, nó thích lái xe tăng, nhưng mà không được tuyển, vì bố nó, tức là đồng nghiệp đáng kính kia, là Tàu nhập cư. Tức là đến đời cháu may ra mới lái xe tăng được.

(2) Đường phố ở Sing sạch kinh hoàng, giao thông xây dựng qui hoạch rất ổn, bệnh viện tốt mà chi phí lại thấp. Cái đó đã nhiều người khen. Khen thêm một tí là họ làm tất cả những thứ ấy với một mức thuế thu nhập gần thấp nhất thế giới (cỡ trung bình độ 12%).

Đã sach đẹp như thế, nhưng chính phủ rách việc vẫn tìm cách cải thiện. Dự án lớn, do một quan chức của trường, trong bữa chén thứ 2, tiết lộ, là họ đang nghiên cứu làm sao giảm nhiệt độ toàn thành phố xuống 4 độ C (ở Sing hiện hơi nóng). Nhiệt độ ngoài đường chứ không phải trong các toà nhà, vốn đã được điều hoà gần như liên tục. Một phương án là sơn lại tất cả các con đường và mái nhà bằng màu sáng và loại sơn đặc biệt không hấp thụ nhiệt.

(3) Bữa thứ 3 có năm người, 4 anh châu Á và một anh Tây. Cả 4 anh châu Á đều nghiền chưởng Kim Dung (tât nhiên bằng ngôn ngữ khác nhau), chỉ có Tây trình kém là nghe lơ ngơ không hiểu gì. Open problem đặt ra là tại sao nam giới lại thích chuyện chưởng ? Có phải vì đàn ông thích đánh nhau ? Cái này chả phải, như mình đây là người cực yêu hoà bình. Hay họ thích khám phá các đại án rắm rối phức tạp ? Chắc cũng cóc phải nốt. Hơi đâu.

Câu trả lời đạt điểm cao nhất thuộc về một đồng nghiệp ở khoa kinh tế. Theo anh này, nếu ta chú ý, tất cả các nhân vật nam chính trong truyện Kim Dung đều xuất thân nhà nghèo, đời sống vất vả, còn các nhân vật nữ chính, người yêu tương lai của họ, chẳng những quốc sắc thiên hương, mà đều con nhà quyền quí, cành vàng lá ngọc. Các anh nam chính đang yên lành làm thuê làm mướn, một ngày đẹp trời đi đào sắn lại xơi phải nhân sâm ngàn năm, tự dưng có nội công ngăn sông bạt núi. Rồi ở hiền gặp lành, tự dưng vớ được bí kíp độc đáo trong đống sách cũ (qua đây có thể thấy rõ lợi ích của việc đọc sách), hoặc ra đường tự dưng gặp kỳ nhân chỉ bảo, chẳng mấy chốc có tuyệt kỹ hàng long phục hổ. Thế rồi đi ra đường, tự nhiên gặp nhân vật nữ chính, vừa xinh lại vừa quí, đúng lúc bị đầu gấu trêu ghẹo…. Vài ba cái tự nhiên như vây, làm cho độc giả cảm thấy như cuộc đời như có tia hy vọng 🙂

(4) Đến bữa thứ tư thì vấn đề thứ nhất là không thể ăn được nữa. Các đồng nghiệp tốt bụng thết khách kiểu Quảng đông mỗi bữa rât nhiều món, trong một bữa mỗi người dùng số lượng bát đĩa đủ cho một gia đình 4 người và 2 con mèo, và món nào cũng có vẻ rât bổ (mặc dầu ăn xong không thấy võ công lên tý nào, chỉ thấy bụng có vẻ nặng nặng).

Câu hỏi lớn của bữa này là đàn ông thời hiện đại và trung cổ ai dũng cảm hơn ? Các quan khách đi đến sự nhất trí là đàn ông thời chúng ta đang sống là dũng cảm nhất. Trong các chuyện cổ tích, ngày xủa ngày xưa các hiệp sĩ (tất nhiên đại diện cho sự dũng cảm) chiến đấu tay đôi với sư tử (hoặc hổ, báo, rồng vv, tuỳ theo văn hoá mỗi nước) để giải cứu (và sau đó kết hôn) công chúa.

Các hiêp sĩ thời hiện đại kết hôn luôn với sư tử.

Disclaimer: Người viết bài này không phải là hiệp sĩ. Để cho chắc ăn, anh cũng không quen ai là hiệp sĩ.

 

 

 

 

 

 

 

 

From → Chưa phân loại

4 bình luận
  1. Trương Tâm permalink

    Bài nào của giáo sư cũng dí dỏm

  2. thilan permalink

    Nếu đúng là phu nhân của anh hiền thiệt, thì anh đâu có phải rào trước đón sau, tâng bốc bả lên mây xanh dữ vậy?

  3. thilan permalink

    Nhân dịp xuân Đinh Dậu năm nay
    Em xin chúc Tết mấy lời này
    Kính chúc anh Văn cùng gia quyến
    Dồi dào sức khỏe, phúc lộc tài!

    Mong anh vẫn viết blog đều tay
    Chúng em học được mấy điều hay
    Cho đời vui vẻ, tâm mát mẻ,
    Mấy khi hạnh ngộ đấng anh tài !
    🙂

  4. ^^ tíu thật

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: