Nhân vật lịch sử: Đào Duy Từ
Đào Duy Từ là nhân vật kiệt xuất thời Trịnh Nguyễn phân tranh, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của người Việt về phương Nam.
Đào Duy Từ quê Thanh Hoá. Bố ông mất sớm. Ông kiến thức sâu rộng, nhưng vì lý lịch gia đình phường chèo mà phải khai man tên họ để đi thi. Hơn 20 tuổi đã đỗ Á nguyên, nhưng việc man trá vỡ lở, rốt cuộc bị lột mũ áo đuổi về quê. Người mẹ buồn mà mất. Đào Duy Từ mai danh ẩn tích hai mươi năm rồi vào Đàng Trong tìm đường giúp chúa Nguyễn. Truyện chép lại ông (lúc đó đã hơn năm muôi tuổi) phải đi chăn trâu cho người ta. Người bạn của chủ nhà biết tài, gả con gái cho ông rồi tiến cử lên chúa Nguyễn. Chúa nói chuyện với ông rất phục, từ dưới đầu trâu mà nhắc thẳng lên làm tể tướng.
Tình hình Việt Nam đầu thế kỷ 17 tương tự thời Tam Quốc. Chúa Trịnh lập vua Lê lên ngôi, nhưng giữ hết quyền hành. Nguyễn Hoành vào trấn thủ Thuận Quảng, xây dựng căn cứ phía Nam. Ngoài Bắc dư đảng của nhà Mạc vẫn giữ Cao Bằng. Đến lúc Đào Duy Từ lên nắm quyền (1627), nhà Mạc đã về hàng chúa Trịnh, Trịnh Tráng quyết tâm bình định phương Nam. Thế lực họ Trịnh hơn họ Nguyễn nhiều lần.
Đào Duy Từ chấp chính, chủ trương đắp luỹ để phòng thủ, Đàng Trong lực lượng mỏng hơn nhưng nhờ chiến luỹ chắc chắn chặn được biết tiến của chúa Trịnh, quân dân không bị tổn hại nhiều. Ông giúp chúa Nguyễn xây dựng được đinh chế chính quyền rất được lòng dân, đặt nền móng cho một thể chế lâu dài. Ông lại bày chủ trương lớn Nam tiến khai khẩn mở mang bờ cõi. Tất cả những việc đó được làm trong vỏn vẹn 8 năm, từ lúc Đào Duy Từ được trọng dụng đến khi ông mất (1634). Người Đàng Trong tôn ông làm Thầy (các chiến luỹ Đào Duy Từ và tướng lính của ông đắp sau gọi chung là luỹ Thầy). Gần hai trăm năm sau vua Gia Long lên ngôi, phong ông làm đệ nhất khai quốc công thần của nhà Nguyễn, thờ trong Thái Miếu cùng các chúa Nguyễn.
Hơn nghìn năm trước bên Tàu có Khổng Minh (Gia Cát Lượng), cũng là học trò ra giúp Lưu Bị lập nhà Thục Hán, chống lại Bắc Nguỵ là lực lượng mạnh hơn. Sự nghiệp Đào Duy Từ ở Việt Nam có thể không nhiều người biết, nhưng Khổng Minh thì ai cũng biết, qua truyện Tam Quốc của La Quán Trung rất hấp dẫn, và gần đây là phim Xích Bích và trò chơi on-line.
Hai người hoàn cảnh hao hao giống nhau, nhưng ngẫm lại có một cái khác rất cơ bản. Khổng Minh theo giúp họ Lưu đến gần 30 năm, sau khi Lưu Bị mất, ông được toàn quyền mọi việc trong ngoài. Đời sau viết nhiều không kể xiết về mưu hay kế lạ của Khổng Minh. Nhiều việc như kiểu trâu gỗ ngựa máy hô gió gọi mưa thật hư không thể nói hết. Nhưng sau khi ông mất, nhà Thục Hán chỉ lay lứt được thêm 30 năm rồi đổ. Người được Khổng Minh coi là học trò ruột, luôn ca ngợi và gửi gắm là Khương Duy chỉ ham việc chinh chiến, đất nước khánh kiệt mà dẫn đến bại vong.
Đào Duy Từ ở với chúa Nguyễn vỏn vẹn 8 năm, mà đặt được nền móng 100 năm cho cơ nghiêp của các chúa Nguyễn, được nối tiếp thêm bởi các vua nhà Nguyễn sau đó. Những người được ông tiến cử như Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến chẳng những giữ được thế cân bằng về quân sự với Đàng Ngoài, mà còn góp phần quyết định cho cuộc khai khẩn phương Nam của người Viêt. Con trai Nguyễn Hữu Dật là Nguyễn Hữu Cảnh là người xác định chủ quyền của người Việt tại Sài gòn-Gia Định.
Thuở còn ở ẩn, Đào Duy Từ có làm bài phú Ngoạ Long Cương để ví mình với Khổng Minh. Nhìn sự nghiệp mà xét, xem ra đồng nghiệp người Tàu còn có chỗ phải bẽn lẽn.
Phố Đào Duy Từ ở Hà nội là một phố nhỏ, cạnh Ô Quan Chưởng, dài độ 300m. Nhiều nhà kiểu cố và có nhiều kho gạo. Hồi tôi còn bé có lẽ đây là phố duy nhất ở Hà Nội mang tên một nhân vật Đàng Trong.
:)…
Hay! mặc dù Việt nhỏ vẫn hơn tầu to..
Trung Quốc kể đến sau thời Tam Quốc coi như bị đạo Khổng trói chặt tư tưởng, hết thấy người giỏi. Khổng Minh thật (Tam Quốc Chí) không được trọng dụng nhiều như trong truyện (Tam Quốc Diễn Nghĩa) và đời sau tô đắp nhiều tài để nhấn mạnh cái Trung của Khổng Minh chứ Khổng Minh thật không tài giỏi thế.
Đào Duy Từ cũng họ Đào chắc con cháu chút chít gì của Đào Khản, một nhân vật bên Tàu cũng xuất thân nghèo hèn (lại là người Nam Man không phải người Hán, làm quan rồi bạn bè vẫn gán cho là đồ chó tộc người Khê) nhưng làm nên sự nghiệp lớn thời Tấn.
http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%A0o_Kh%E1%BA%A3n
Tóm lại xuất thân nghèo hèn là một khởi điểm tốt để làm nên việc lớn sau này :), càng nghèo càng bị xã hội khinh rẻ thì sự nghiệp sau này càng vẻ vang.
Hì… hì…và nhà số 23 Đào Duy Từ có một ý nghĩa đặc biệt nào đó phải không Vũ Hà Văn?
Có Trịnh Hoài Đức nữa ạ