Bỏ qua nội dung

Nhân vật lịch sử: Nam Việt Triệu Vũ Đế

Tháng Mười Một 16, 2013

Nói cái tên  thế này, ít ai quan tâm đó là ông nào.  Các bác xe ôm bảo là làm gì có phố nào tên dài thế, chỉ có phố Lý Nam Đế thôi. Còn các  ông be bé thích truyện chưởng có thể sẽ nghĩ đến ông Nam Đế họ Đoàn,  sở trường công phu Nhất Dương Chỉ, có thể bắn tia la-ze bằng ngón tay.

Con tằm nó nhả ra tơ,  có lẽ nên bắt đầu bằng chuyện Mỵ Châu-Trọng Thuỷ mà ai cũng biết. Có một điều lạ là lịch sử Việt Nam có nhiều chuyện rất hay, nhưng học trò thì lại chán môn Sử không chịu được.  Chuyện Mỵ Châu-Trọng Thuỷ là một thí dụ.  Về mặt ly kỳ, nó hơn hẳn 007. Có điệp viên trẻ tuôi  đẹp trai. Có nữ vai chính xinh đẹp dễ thương. Có chiến tranh tàn khốc, vũ khí huỷ diệt, âm mưu chính trị, đủ cả.  Hơn nữa, đoạn kết lại bi đát mang đậm tính by kịch Hy Lap-La Mã, hơn hẳn kiểu “happy ending” xem được nửa phim đã đoán được của Hollywood.  Trộm nghĩ chuyện Ba Chàng Ngự Lâm dở òm lại bốc phét tưng bừng mà còn làm phim được mấy lần, kể cũng phí cho điện ảnh nước ta.

Ông Triệu Vũ Đế ở trên, chính là bố kiêm chỉ đạo viên của anh 007 Trọng Thuỷ.  Tên khai sinh của ông là Triệu Đà, làm quan cho nhà Tần. Nhân lúc nhà Tần sụp đổ, Hán Sở tranh hùng, Triệu Đà chinh phục các nước ở phía Nam, gần khu vực đóng quân của ông ta (trong đó có Âu Lạc của An Dương Vương Thục Phán), và lập ra nước Nam Việt.  Triệu Đà xưng đế (Triệu Vũ Đế) độc lập và đương đầu với Trung Quốc.  Truyền đến đời cháu,  nước suy yếu  rồi bị nhà Hán xâm chiếm.  Các quận Giao Chỉ, Cửu Chân bắt đầu lập ra từ đó.

Vấn đề ông  Triệu có được tính là một ông vua của Việt Nam hay không được các sử gia bàn cãi rất nhiều.  Trước thời Nguyễn, các sử gia chính thống như cụ Lê Văn Hưu,  cụ Ngô Sĩ Liên,   coi vua Triệu Vũ Dế là một ông vua của người Việt.   Cụ  Nguyễn Trãi,  trong Bình Ngô Đại Cáo,  một trong những bài văn hào hùng nhất của dân tộc, viết

“ Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương “

Hai câu này khẳng định nền độc lập của nước ta qua cả nghìn năm. Mỗi triều đại đối chọi với một triều đại Trung Quốc, song song về thời gian.  Nhà Triệu được nhắc đến ở đây là nhà Triệu của Triệu Vũ Đế.

Từ  cuối nhà Hậu Lê trở đi, nhà Triệu được nhìn nhận như là một thế lực đô hộ hơn là một  triều đại của người Việt.  Hồi tôi học cấp 2, bài Bình Ngô Đại Cáo được giảng rất kỹ, nhưng thầy cô cũng không nói nhà Triệu là nhà nào (thật thà  lúc đầu cứ tưởng là bà Triệu, mặc dù cảm thấy không hợp lắm, vì bà Triệu không làm vua và chống lại Đông Ngô chứ không phải nhà Hán).

Kể ra  giải thích về phương diện nào cũng có lý. Triệu Vũ Đế đặt tên nước là Nam Việt, trong đó có Âu Lạc và nhiều tộc Việt khác. Nam Việt hoàn toàn độc lập với Trung Quốc. Nhà vua xưng đế, tỏ ra ngang hàng với Hán Cao Tổ. Sau đó Lục Giả đi sứ sang Nam Việt, thuyết  phục Vũ Đế giảm một mực xuống tước vương. Triệu Đà chịu nhún, nhưng thái độ vẫn hết sức mạnh mẽ,  coi mình ngang với Lưu Bang. Đoạn đối thoại giữa Triệu Đà và Lục Giả được Tư Mã Thiên chép lại hết sức sinh động trong Sử Ký.

Vũ Vương vốn là người kiêu căng, có ý không muốn phục nhà Hán, đến khi Lục Giả sang đến nơi, vào yết kiến Vũ Vương, Vũ Vương ngồi xếp vành tròn, không đứng dậy tiếp. Lục Giả thấy vậy mới nói rằng: “Nhà vua là người nước Tàu, mồ mả và thân thích ở cả châu Chân Định. Nay nhà Hán đã làm vua thiên hạ, sai sứ sang phong vương cho nhà vua, nếu nhà vua kháng cự sứ thần, không làm lễ thụ phong, Hán đế tất là tức giận, hủy hoại mồ mả và giết hại thân thích của nhà vua, rồi đem quân ra đánh thì nhà vua làm thế nào?” Vũ vương nghe lời ấy vội vàng đứng dậy làm lễ tạ, rồi cười mà nói rằng: “Tiếc thay ta không được khởi nghiệp ở nước Tàu, chứ không thì ta cũng chẳng kém gì Hán Đế!”

Trong lịch sử ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước nhỏ láng giềng, it khi có một ông vua  nước nhỏ nào đối đáp mạnh mẽ như vậy.  Đường lối đối ngoại của nhà Triệu tương đối giống đường lối của nhà Lý, nhà Trần sau này. Ngoài mặt hoà hoãn chịu thần phục nhà Hán, nhưng trong nước Triệu Đà vẫn dùng đế hiệu, và khi cần dùng vũ lực chống lại  rất kiên quyết (như việc đánh bại các đạo quân của Lữ Hậu).

Về một mặt khác,  Triệu Đà hiển nhiên sinh ra ở Trung Quốc, làm quan cai trị cho nhà Tần.  Sau khi lập ra Nam Việt, ông đóng đô ở Quảng Tây,  it khi xuống đến  vùng đất của Việt Nam hiện nay.  Sử gia Ngô Thì Sĩ cho rằng phần lớn đất đai của nhà Triệu lúc đó thuộc về Trung Quốc hiên nay, nên nhà  Triệu không thể được coi là một triều đại của người Việt.

Về  đời tư, có một số tài liệu cho rằng Triệu Vũ Đế lấy vợ gốc Giao Chỉ  và sống theo phong tục của người Việt.  Ông sống rất thọ, và đến cuối đời đã quên hết các phong tục của Trung Quốc.

Trong bảo tàng Lịch sủ, cạnh bản sao của bia Vĩnh Lăng, có chép hai câu trên của Ức Trai tiên sinh, nhưng chữ Triệu bị thay bằng dấu ba chấm

“ Từ … Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương “

Việc nhà Triệu có phải là một triều đại của người Việt hay không,  chắc các sử gia còn nhiều bàn cãi.

Chỉ trộm nghĩ rằng cụ Nguyễn là bậc đại bút, là nhà văn hóa lớn của cả dân tộc, không dùng văn của cụ thì thôi,  chứ dùng mà lại bỏ bớt đi, câu văn mất  tình đối xứng và vẻ đẹp của nó.  Nếu  ai không biết, thì thấy câu văn khập khiêng, hơi văn cũng mất cái hào hùng, đọc lên có khi lại cảm thấy bên “ta” bị thiếu hụt tí chút.

From → Chưa phân loại

16 bình luận
  1. tikitaka permalink

    Anh bịa đặt quá. “Triệu, Đinh, Lý, Trần…” ở đây là nói đến Triệu Việt Vương chứ không phải Triệu Đà. Ngày xưa mà phát biểu thế là bị khép vào tội Phản bội tổ quốc đấy.

  2. tikitaka permalink

    Trung quốc: Hán: nhà 206 TCN – 220; Đường: 618 – 907, Tống: 960-1279, Nguyên: 1271 – 1368

    Việt nam: Nhà Triệu: ???, Nhà Đinh: 968 – 980, Nhà Lý: 1009 – 1225, Nhà Trần: 1226 – 1400

    Nhà Đinh không tương ứng với nhà Đường của Tàu đâu.

    Thế cho nên ví von chỉ là tương đối thôi. Nhà Triệu ở đây là Triệu Việt Vương.

  3. tikitaka permalink

    Nhà Đinh và nhà Lý VN đều lọt thỏm vào khoảng thời gian trị vì của nhà Tống:

    Về ngoại giao, để tránh cuộc đụng độ, năm Nhâm Thân 972[16], Đinh Tiên Hoàng sai con là Đinh Liễn sang cống nhà Tống Trung Quốc. Vua nhà Tống sai sứ sang phong cho Tiên Hoàng làm Giao Chỉ quận vương và phong cho Nam Việt vương Đinh Liễn làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ. Từ đó Đại Cồ Việt giữ lệ sang triều cống phương Bắc. Từ năm Thái Bình thứ 7 [976], thuyền buôn của các nước ngoài đến dâng sản vật của nước họ. Kết mối giao thương.

  4. Để tiện tranh luận , xin anh ghi rõ danh tính, nơi làm việc, không dùng nick name, và không chụp mũ vu vơ, nhât là khi chưa đọc kỹ.

    Vấn đề ông Triệu Đà được rất nhiều sử gia từ trước đến nay quan tâm thấu đáo, anh có thể đọc lời bình của sử gia Lê Văn Hưu và nhiều người khác trong Đại Việt Sử Ký toàn thư. Như đã viết, tôi thấy cả hai cách giải thích đều có cơ sở. Mỗi thời có một quan niệm riêng.

    Việc cụ Nguyễn Trãi viết nhà Triệu là nhà Triệu nào, thì chắc chỉ có cụ biết chắc. Nhưng cụ sinh ra cuói đời nhà Trần, quan niệm chắc không khác quan niệm chính thống của nhà Trần, mà sử gia tiêu biếu của nó là cụ Lê Văn Hưu bao nhiêu.

  5. tikitaka permalink

    He he, em xin lỗi, trêu anh Văn thôi. Nhưng nhà Đinh chỉ kéo dài có 22 năm. Nhà Triệu (Việt Vương) kéo dài 23 năm. Thế nên có thể Triệu Việt Vương là một giả thuyết.

    Nhà Triệu của Triệu Đà sau đó bị nhà Hán đánh bại và thành lập nên nước Âu lạc, thế nên nói là “mỗi bên hùng cứ 1 phương” nghe không hợp lý lắm. Để ý thì thấy nhà Đinh, Lý, Trần mất ngôi vào tay họ khác người Việt chứ không hề thua các triều đại Tàu. Triệu Việt Vương cũng vậy.

    Như đã nói, nhà Đinh không liên quan gì đến nhà Đường.

    Nếu đã là chỉ mình cụ Nguyễn Trãi biết chắc cụ nghĩ gì thì cũng không quan trọng cụ viết là Triệu đà hay triệu nào. Cũng có thể cụ chịu ảnh hưởng của Lê Văn Hưu, nhưng quan điểm của Lê Văn Hưu cũng ghi nhận công lao và danh xưng của Triệu Việt Vương.

    Mặt khác, cuốn Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu biên soạn thì đến nay không còn cho nên không thể nói chính xác Lê Văn Hưu viết gì. Những gì được cho là quan điểm của LVH về Triệu Đà chỉ là do Ngô Sỹ Liên biên soạn trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư , mà Ngô Sỹ Liên thì sinh ra sau khi Nguyễn Trãi đã chết.

    Ngày nay ta hoàn toàn có thể giải thích là Triệu Việt Vương cho nó…yêu nước ạ.

    Còn giả thuyết nữa là Nguyễn Trãi hàm nghĩa cả mấy họ Triệu: Triệu Đà, Triệu Trinh Nương, Triệu Quang Phục, cũng như Lý: bao gồm nhiều họ Lý: Lý Nam Đế, Lý Thái Tổ để bao quát cả lịch sử.

  6. thilan permalink

    Triệu Việt Vương (khoảng 548-571) cũng là một giả thuyết, nhưng hơi dở, vì triều đại của ông ấy xa nhà Hán quá. Nhưng chỉ việc chữ “Triệu” trong bài thơ của Nguyễn Trãi bị đục bỏ mất cũng nói lên nhiều điều (chữ ấy khi viết bằng tiếng Hán hoặc tiếng Nôm, không biết có giống chữ Triệu của Triệu Quang Phục không ạ?). Quả là Triệu Đà cũng thật chẳng hay ho gì, Tàu cũng chê mà ta cũng ghét, nhưng mà trong lịch sử các nước thì việc nước nọ xâm lấn cai trị nước kia cũng là bình thường phải không ạ? Nếu mà rộng lượng một chút thì thôi cho ổng làm người Việt Nam cũng được.
    Đọc bài này em thật là không nhận ra GS VHV, chẳng biết có liên quan đến “bố kiêm chỉ đạo viên” của GS không?(em nói đùa ạ).

  7. Hình như có một bản khắc cũ BNDC từ thời Nguyễn.

  8. tikitaka permalink

    Thilan: Hán ở đây có thể là nhà Nam Hán (917-971). Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng mà. Trần Trọng Kim thì có 1 bản khác” “Từ Đinh Lê Lý Trần…”

    Cứ cho là Triệu trong bài này là Triệu Vũ Đế đi, thì câu ấy vẫn phi lý bởi ngày xưa các cụ rất coi trọng đối giữa hai câu. Thật vô lý vì Đinh không đối với Đường, trong khi một bậc tài danh như Nguyễn Trãi thì chẳng khó khăn gì lắm để lựa chọn đúng 2 nhà của 2 nước thực sự đối nhau. Còn nhiều nhà không được xuất hiện trong câu: Ngô, tiền Lê…

    Có nhiều giả thuyết bản văn này không phải của Nguyễn Trãi. Em thì nghĩ là bản gốc không phải như vậy. Có thể ai đó theo quan điểm công nhận Triệu Đà sau này đã sửa thành ra như vậy.

    • thilan permalink

      Cụ Nguyễn Trãi mà biết được tikitaka đoán Cụ làm thơ như thế nào thì chắc là Cụ cũng phải bật cười 😀

  9. Thành permalink

    Giả sử đúng là Triệu Đà là người họ Triệu được nhắc tới trong 2 câu của Nguyễn Trãi. Trong 2 câu đó có nhà Triệu ở vế trước và nhà Nguyên ở vế sau. Phải chăng cụ Nguyễn Trãi muốn nói rằng nếu như nước Việt từng bị người Trung Quốc đô hộ lập ra nhà Triệu thì Trung Quốc cũng không hơn gì bởi họ bị người Mông Cổ đô hộ và lập ra nhà Nguyên.

  10. Trong đoạn đối thoại giữa vua Trần và Hưng Đạo Vương khi ông sắp mất, Hưng Đạo Vương cũng có nhắc đến Triệu Vũ Đế, nhân nói về cách giữ nước.

  11. Hà Nam permalink

    SGK ngày xưa em học có chú thích rõ ràng Triệu ở đây là Triệu Đà mà. Lâu nay em vẫn tin thế, và giờ cũng thế.
    Cụ Triệu Việt Vương có từng xưng đế đâu mà các anh các chị ở trên lại kéo vào đây? Có nhầm không? Cụ Nguyễn Trãi đang đặt mình ngang hàng với chúng nó cơ mà?

  12. Minh Minh permalink

    cho em hỏi một câu hơi ngoài lề vì đang nói đến Triệu Đà nên e cũng hỏi luôn là Triệu Văn Đế tức là Triệu Muội, Triệu Hồ có phải là cháu của Triệu Đà và là con của Trọng Thủy hay không theo em được biết là trong nhiều sách lịch sử bảo Triệu Hồ là con Trọng Thủy nhưng mà nhiều thầy cô lại bảo Trọng Thủy không có con, không biết ý kiến nào là đúng ạ?

  13. An Duy permalink

    Triệu ở đây chính xác là Triệu Vũ Đế. Còn lí do h sử chính thống ko công nhận ông tôi ngĩ chỉ là vì các lí do chính trị vs bọn Tàu khựa thôi. Quang Trung đã từng muốn đòi lại vùng Lưỡng Quảng là lãnh thổ cũ của Nam Việt từ nhà Thanh đấy . Khi Gia Long đặt tên nước là Nam Việt bọn Mãn thanh ko đồng ý phải đổi thành Việt Nam cũng là vì chúng nó sợ khơi dậy tinh thần dân tộc của ta, dân Việt ta đòi đất cũ chứ éo phải là vì trùng vs triều đại của chúng nó. Vì bản thân Vũ đế ông ko hề thần phục và sống theo phong tục của Hán triều dù rằng ông ko phải người Việt nhưng công lập quốc và xưng đế giúp Bách Việt đối trọng vs bọn Hán là ko thể phủ nhận. Không công nhận ông chỉ vì coi ông là người trung quốc xâm lăng Âu lạc của An Dương Vương (mặc dù bản chất nó là nội chiến giữa các tộc người Việt) để lại 1 lỗ hổng văn hóa vô cùng lớn trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Và nên nhớ hiện nay ở hai vùng Lưỡng Quảng của Nam Việt xưa Tàu nó khai quật ra rất nh di chỉ khảo cổ hoàn toàn mang nền văn minh lúa nước và đồ đồng của dân tộc Việt ta, và tính niên đại thỳ nó trùng khớp với khoảng thời gian mà Triệu Vũ Đế ngài trị vì. Vậy các đồng chí giải thíc thế nào về vị hoàng đế này ? Theo ý kiến cá nhân tôi thỳ có thể ông là người Hán. Nhưng ông có công lớn vs Bách Việt. Và cả đời ông sống như người Việt thỳ ko thể ko công nhận ông.

  14. suy nghĩ đi mấy bạn ơi cau văn trên nói nhà Triều là của Triệu Đà đấy.
    Triệu Việt Vương chống nhà Lương cơ mà. Lúc này Triệu Việt Vương còn tại vị thì nước ta là nước Vạn Xuân ( Tiền Lý) chứ không phải nhà Triệu nha!
    Nhà Triệu ( 207 TCN – 111 TCN)
    Nhà Hán ( 206 TCN – 202 )
    Hai nước tồn tại song song cùng thời gian vậy nên có lẽ đối chiếu như vậy đúng đấy!

  15. ngpHuynh permalink

    Triệu là Triệu Vũ Vương thì không sai được. Nguyễn Trãi không có sự nhầm lẫn.
    – Lúc học phổ thông, có nghe cô dạy văn nói là Triệu Việt Vương, nhưng xét thấy không phải, vì sau khi Lý Bí bị thua trận, giao binh quyền lại cho Triệu Quang Phục, Triệu Quang Phục chủ yếu ở đầm Dạ Trạch nên chỉ có thể xem là nghĩa quân là chính, thêm vào nữa là thời đó còn có Lý Phật Tử (là một thế lực khác của nước Vạn Xuân).
    – Không phải ngẫu nhiên mà có nhiều nơi thờ Triệu Vũ Vương ở Việt Nam. Ngay cả tể tướng Lữ Gia cũng được đặt tên ở nhiều nơi.
    – Tên Nước Việt Nam ngày nay cũng có nguồn gốc từ Triệu Vũ Vương. (Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu- Cao Xuân Dục).
    – Theo Việt Sử Tiêu Án – Ngô Sỹ Liên, Mẹ Trọng Thủy là Trình Thị người làng Đường Xâm, quận Giao Chỉ (Nay là làng Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), và nơi này nay còn có miếu thờ Triệu Đà, điều này có thể đưa ra giả định là Triệu Đà đã có một thời gian dài sinh sống ở đây.
    – Theo Đại Việt Sử Kí Toàn Thư -Lê Văn Hưu nói: “Đất Liêu Đông không có CơTử thì không thành phong tục mặc áo đội mũ [nhưTrung Hoa], đất Ngô Cối không có Thái Bá thì không thể lên cái mạnh của bá vương. Đại Thuấn là người Đông Di nhưng là bậc vua giỏi trong Ngũ Đế. Văn
    Vương là người Tây Di mà là bậc vua hiền trong Tam Đại. Thế mới biết người giỏi trị
    nước không cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay Di, chỉ xem ở đức mà thôi. Triệu Vũ Đế
    khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là
    “lão phu”, mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm
    vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi,
    thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, giữngôi bằng nhân, thì gìn
    giữbờcõi được lâu dài, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được.” Đây có thể coi như thừa nhận của Lê Văn Hưu Triệu Vũ Vương là vua của nước ta.
    – Cũng theo Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, thời kì thuộc Hán của nước ta là năm Tân Mùi (110 TCN), sau khi nhà Triệu bị nhà Hán chiếm.
    (Gần đây tôi có đọc một bài phân tích cũng khá hay các bạn có thể tham khảo thêm: http://www.sugia.vn/news/detail/749/gop-y-ve-nha-trieu-va-nuoc-nam-viet.html

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: